in

COVID-19 và thú cưng

, 13/10/2021 | 08:09

(Nguoinoitieng.vn) – Vào ngày 27 tháng 9, 2021, cô Liu, một bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi COVID-19 ở Cáp Nhĩ Tân, đã đăng trên Weibo ba con mèo của cô bị nhân viên công vụ giết chết vì xét nghiệm PCR dương tính.

Ngay lập tức Netizen phản ứng dữ dội.

Sự kiện ba con mèo được xếp vào danh sách tìm kiếm nóng hổi trên không gian mạng Trung Quốc, nó xô đổ tất cả những kỉ lục đã được xác lập trước đó, truyền thông quốc tế cũng đưa tin rầm rộ. Netizen cho rằng, chính quyền đã có hành động quá mức cần thiết trong nỗ lực ngăn chặn đại dịch COVID-19.

Cô Liu cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí rằng, khi cô đang bị cách li trong bệnh viện, nhân viên công vụ thường xuyên đến nhà cô chăm sóc ba con mèo. Họ ba lần kiểm tra toàn diện ngôi nhà, lấy mẫu bệnh phẩm bông gạc từ hậu môn mèo, rồi xét nghiệm PCR dương tính, ngay lập tức nhân viên công vụ thông báo cho cô Liu. Cần phải tử thần hoá. Ngày hôm sau, cô nhận được giấy thông báo không có chữ kí, nội dung trong tờ giấy đó xác nhận ba con mèo đã bị hành quyết.

Cô Liu không đồng tình?!

Nhân viên công vụ giải thích, mèo khác với người, hiện tại vẫn chưa có cơ sở y tế chữa trị COVID-19 cho mèo. Có hai lí do chính để thực hiện hành quyết. Một là, không xử lí thì người dân xung quanh không thể yên ổn. Hai là, Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm Trung Quốc quy định, khi dịch bệnh truyền nhiễm bùng phát, thì những con vật mắc bệnh có thể bị tiêu huỷ khi cần thiết.

Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc hành quyết thú cưng.

Ví dụ, vào ngày 30 tháng 1 năm 2020, một chủ nhà ở Vô Tích thuộc tỉnh Giang Tô, trong thời gian cách li tập trung, nhân viên công vụ phát hiện có một con mèo đi theo. Những người cùng cách li đã đã giết mèo. Khi đó, câu hỏi đặt ra là chưa có bằng chứng vật nuôi truyền bệnh cho người, vậy cách xử tử vật nuôi như vậy liệu có phù hợp hay không?

Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, hàng loạt những hình ảnh đau lòng về chó và mèo cưng xuất hiện ở tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc – mắt chúng mở to đờ đẫn, thi thể nằm vô hồn trên vỉa hè, bao quanh chúng thường là những vũng máu đỏ tươi. Nỗi sợ hãi virus đã khiến chủ nhân của chúng khiếp đảm, họ tin rằng vật nuôi có thể truyền bệnh, hàng loạt chó mèo bị ném qua cửa sổ từ những toà tháp cao tầng.

Kể từ đầu vụ dịch cho đến nay, đã có nhiều báo cáo cho thấy các loài động vật bị nhiễm virus gây bệnh COVID-19, bao gồm hải li, hươu, nai, chồn, đười ươi, hổ, sư tử, rắn, tê tê, mèo và chó. Một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí vi sinh nổi tiếng BioRxiv vào ngày 29 tháng 7 năm 2021 cho thấy, 40% mẫu máu của loài hươu đuôi trắng ở Mỹ có kháng thể trung hoà với SASR-CoV-2, loài động vật cảnh nổi tiếng này được cho là có thể bị nhiễm virus từ con người.

Một phân tích tổng hợp đăng trên tạp chí Thông tin Nghiên cứu Thú y vào ngày 19 thág 1 năm 2021, cho thấy con người đã lây truyền SARS-CoV-2 cho nhiều loài động vật nuôi ở vườn thú, trang trại và trong nhà. Mèo là vật chủ rất nhạy cảm với chủng SARS-CoV-2 ở người có thể do sự giống nhau khá cao giữa các thụ thể ACE2 ở người vè mèo. Chó cũng được coi là rất nhạy cảm. Hiện chưa có bằng chứng rõ ràng virus truyền từ các loài vật sang người, nhưng trong tương lai điều đó không thể tránh khỏi, và nếu xảy ra thì hậu quả có thể là một đại dịch chết người. Nghiên cứu cũng đưa ra khuyến cáo, con người cần hạn chế tiếp xúc với mầm bệnh từ động vật, hạn chế tiếp xúc càng nhiều càng tốt.

Chó và mèo rất đáng lưu tâm.

Theo một nghiên cứu mới được trình bày tại Đại hội Vi sinh lâm sàng & Bệnh truyền nhiễm Châu Âu (ECCMID) vào tháng 6 năm nay, COVID-19 thường gặp ở chó và mèo cưng có chủ sở bị nhiễm virus. Các nhà nghiên cứu đã xét nghiệm 156 con chó và 154 mèo cưng từ 196 gia đình bị mắc bệnh COVID-19, kết quả 7 con cho và 6 con mèo xét nghiệm PCR dương tính, 23 chó và 31 mèo có kháng thể trung hoà với virus.

Có 67/310 (chiếm 21,6%) vật nuôi nhiễm virus.

Có 40/196 (chiếm 20,4%) hộ gia đình có vật nuôi nhiễm virus.
Các nhà nghiên cứu từ Viện Phát triển Bền vững Quốc gia Pháp theo dõi 8 con mèo và 3 con chó bị nhiễm virus, tất cả đều có các triệu chứng như buồn ngủ, chán ăn, khó thở, ngất xỉu, nhịp tim không đều, tiếng tim bất thường, tích tụ dịch trong phổi; tương tự như các triệu chứng của người bị bệnh COVID-19.

Tháng 11 năm 2020, bảy thành phố ở phía Bắc Đan Mạch phát hiện 216 trong tổng số 1.139 trang trại nuôi chồn lấy lông đã bị nhiễm biến thể virus gây bệnh COVID-9 ở người. Vấn đề ở chỗ, thời điểm đó Đan Mạch phát hiện 12 người nhiễm biến thể virus này, vì thế mà chính quyền lo ngại chiều ngược lại chồn có thể truyền virus sang người. Thủ tướng Đan Mạch yêu cầu tiêu huỷ toàn bộ số chồn. Là quốc gia xuất khẩu lông chồn lớn nhất thế giới, ước tính 17 triệu sản phẩm lông thú mỗi năm, chiếm 40% tổng sản lượng toàn cầu, số lượng chồn tiêu huỷ khoảng 785 triệu đô la, đây có thể là chỉ dấu báo hiệu sự kết thúc của ngành công nghiệp lông chồn ở Đan Mạch.

Giết chồn và giết chó mèo rất khác nhau.

Bởi chồn và thú cưng là hai nhóm động vật khác nhau về tình cảm, con người có mối quan hệ sâu sắc với vật nuôi, thậm chí coi vật nuôi như thành viên trong gia đình. Chó và mèo có thể ngủ cùng với người. Chồn chỉ đơn thuần là con vật nuôi để lấy lông. Việc hành quyết chó và mèo, chắc chắn sẽ gây tổn thương rất lớn với cảm xúc của cộng đồng; nhưng giết chồn thì không. Cũng như vậy, hàng vạn con gà hoặc con lợn bị tiêu hủy, sẽ chẳng có ai đứng ra nói gì. Giết chồn, giết gà hay giết lợn hàng loạt; đó không phải là vấn đề đạo đức, không phải là vấn đề con người, không phải là vấn đề pháp lí. Đó chỉ đơn thuần là vấn đề kinh tế. Thú cưng mắc bệnh thì ngược lại, nên cách đối xử với thú cưng khi mắc bệnh, bắt buộc phải khác.

Vậy khác như thế nào?

Facebook từ qua đến nay, một số người cho rằng, thú cưng của chủ bị nhiễm COVID-19, có thể trên lông của chúng đang có virus do giọt bắn của người chủ dính vào, vậy chỉ cần tắm xà phòng hoặc khử khuẩn là xong. Thực ra không đơn giản như vậy. Chúng ta đã biết, SARS-CoV-2 ở bên ngoài môi trường bám lên bề mặt các vật, thì thời gian tồn tại sẽ không lâu, cùng lắm vài giờ. Vì thế, giả sử lông chó mèo có dính virus, chỉ một hai ngày là yên tâm sẽ bị bất hoạt, có khi chỉ một hai tiếng, nên chẳng cần phải tắm xà phòng hay khử khuẩn bộ lông.

Điều quan trọng là virus đang trong cơ thể chó mèo.

Cho đến tận hôm nay, vẫn chưa có bằng chứng khoa học cho thấy động vật nhiễm SARS-CoV-2 có thể truyền bệnh ngược lại cho người, nhưng đã có những cảnh báo trong các nghiên cứu, mà hiện tượng chồn ở 216 trang trại và 12 người mắc cùng biến thể virus ở Đan Mạch, chính là hồi chuông cảnh báo trong tương lai điều này có thể xảy ra.

Sau khi chồn bị giết hàng loạt ở Đan Mạch, Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã quan sát và đánh giá tình hình ở 36 quốc gia, rồi đưa ra ý kiến vào ngày 20 tháng 1 năm 2021. Cần phải cảnh giác nguy cơ virus lây từ động vật có lông sang người. Sức khoẻ cộng đồng và các mối đe doạ kinh tế xã hội, các quốc gia cần được quan tâm, nhưng việc có bắt và giết động vật mắc bệnh hay không, thì WHO cho rằng tuỳ thuộc quan điểm của mỗi nước.

Rõ ràng là cần giám sát động vật có nguy cơ mắc bệnh.

Một số ý kiến trên Facebook cho rằng, thú cưng có nguy cơ nhiễm bệnh chỉ cần cách li là đủ, nhưng cách li bao nhiêu ngày, cách li ở đâu, xét nghiệm để chẩn đoán ra sao, ai sẽ trả cho những chi phí này; thì các Facebooker chưa ai đưa ra giải pháp cụ thể.

Và trong qúa trình cách li, nếu phát hiện chó mèo bị nhiễm bệnh biểu hiện các triệu chứng, thì điều trị như thế nào? Trên toàn thế giới các bệnh viện thú cưng chưa có phác đồ điều trị COVID-19 cho thú cưng. Chữa bệnh COVID-19 ở chó mèo như thế nào, thú cưng mang virus trong bao lâu thì không còn khả năng truyền bệnh, những vấn đề này khoa học chưa nghiên cứu, bởi một phần động vật có khả năng tự chữa lành tốt hơn con người, phần nữa là thế giới này vẫn đang có sự khác biệt giữa động vật và con người.
Bế tắc!

Nhưng chúng ta không thể cho rằng, vật nuôi nào cũng chỉ là vật nuôi, nếu có nguy cơ hoặc đã nhiễm bệnh thì giết chết cho nhanh, ai thương xót thì giao cho họ mang lên rừng cùng cách li, không cần WHO hay CDC, chẳng cần Mỹ cũng như Việt Nam phải quan tâm. Con người cũng tiến hoá từ động vật. Nếu ai không yêu động vật, thì người đó vẫn chưa tiến hoá, thậm chí bị thụt lùi. Nhưng chúng ta cũng không thể nhân danh yêu động vật để phản bội con người, đứng vào nhóm thú cưng chỉ để bảo vệ thú cưng một cách mù quáng, không cần xem xét đến sự đe doạ an toàn của đồng loại.

Sự thiếu hiểu biết mới thực sự nguy hiểm!

Tôi cho rằng, đã đến lúc cơ quan chức năng mà đứng đầu là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng với Bộ Y tế và Ban Phòng chống dịch Quốc gia, nghiên cứu ban hành hướng dẫn cách thức xử lí động vật có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 hoặc đã nhiễm, ban hành càng sớm càng tốt. Thậm chí, mỗi địa phương có thể thành lập các trung tâm phòng chống và điều trị COVID-19 cho động vật, phù hợp với luật pháp và quy định chống dịch.

Tương lai virus có thể truyền từ động vật sang người!

Nên theo quan điểm của tôi, cơ quan chức năng bắt tay vào nghiên cứu, ban hành những hướng dẫn và quy định, đó là cách thức phòng chống dịch bệnh từ xa cho con người. Cả nước có hơn 800 ngàn ca COVID-19, con số không hề nhỏ, rất có thể nhiều thú cưng đã nhiễm virus từ chủ nuôi, nên sự vào cuộc của cơ quan chức năng là cần thiết.

Sự việc 15 con chó và 1 con mèo bị hành quyết mới đây ở huyện Trần Văn Thời (Cà Mau), hay trước đó là thiếu nữ đưa mèo đi chữa bệnh bị CSGT tuýt còi phạt ở Long An, cộng đồng lên tiếng là rất cần thiết. Điều quan trọng bây giờ là giải pháp. Rõ ràng COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A, lại đang trong đại dịch, theo quy định nếu vật nuôi có nguy cơ lây nhiễm và truyền bệnh, thì chủ vật nuôi không được phép mang ra khỏi nơi cư trú, thậm chí có thể buộc phải tiêu huỷ. Nhưng rõ ràng mọi gia đình bị nhiễm COVID-19 đều phải tiêu huỷ thú cưng thì không ổn, thế giới đều không làm vậy, trong khi chúng ta đang ngả về hướng chấp nhận sống với virus.

Cần phải có sự thay đổi bằng những quy định hợp lí hơn.

Nên chăng, có chính sách bảo hiểm thú cưng, khuyến khích người nuôi chó mèo mua bảo hiểm cho những con vật của mình. Thậm chí ngay cả đàn gia cầm của người nông dân cũng mua bảo hiểm tương ứng, để khi xảy ra lũ lụt, động đất, dịch bệnh và các trường hợp bất khả kháng, thì chúng ta không bị khó khăn lúng túng khi giải quyết những thiệt hại.

Hãy dùng khoa học để dẫn lối cho hành động!

Bác sĩ Trần Văn Phúc

Xem thêm tin bài cùng tác giả:

• Nhà thơ Tô Lân – nhà thơ ‘lười biếng’ nhất
• COVID-19 và thú cưng

Tác giả Đặng Xuân Tới

“Viết tử tế - viết thật hay, hoặc là không viết”
Câu nói đó tôi đã tự đặt ra và coi là giới hạn, là chuẩn mực theo đuổi của bản thân mình mỗi khi viết. Cảm ơn bạn vì đã ghé thăm bài viết của tôi trên Tạp chí điện tử Người Nổi Tiếng.

Ca sĩ Lưu Chí Vỹ dù không phải ‘sao hạng A’, song ‘giọng ca bolero’ vẫn thành danh trong âm nhạc?

4 tiêu chí đánh giá chất lượng nội dung