‘Thói đời’ đưa nhạc sĩ Trúc Phương từ đỉnh cao sự nghiệp đến cuộc sống cơ cực, tha phương
in

‘Thói đời’ đưa nhạc sĩ Trúc Phương từ đỉnh cao sự nghiệp đến cuộc sống cơ cực, tha phương

, 18/12/2023 | 09:09

(Nguoinoitieng.vn) – Nhạc sĩ Trúc Phương – “Ông hoàng không ngai” trong thể loại nhạc Vàng Việt Nam từ những năm thập niên 60. Mang tất cả những tài hoa trải vào âm nhạc, nhạc sĩ đổi lại một cuộc sống bĩ cực, không được trả tiền bản quyền và tác quyền.

Hành trình sự nghiệp của nhạc sĩ tài hoa Trúc Phương qua năm tháng

Nhạc sĩ Trúc Phương tên thật là Nguyễn Thiên Lộc. Ông sinh năm 1933 tại Mỹ Hòa, Cầu Ngang, Trà Vinh, Nam Kỳ, Liên bang Đông Dương.

Nhạc sĩ Trúc Phương - Tài hoa nhưng bạc phận.
Nhạc sĩ Trúc Phương – Tài hoa nhưng bạc phận.

Cuối thập niên 1950, cố nhạc sĩ sinh hoạt văn nghệ tại Ty Thông tin tỉnh Vĩnh Bình. Với tình yêu âm nhạc cháy bỏng, ông lên Sài Gòn học nhạc ở lớp của nhạc sĩ Trịnh Hưng.

Nhạc sĩ Trúc Phương là “cha đẻ” của những nhạc phẩm được khán giả yêu thích như: Quê hương ai nhớ thì về, Nửa đêm ngoài phố, Chuyện ngày xưa, Nhận diện tình đời, Áo cưới mùa đông,…

Nhạc sĩ Thiên Lộc rất nổi tiếng trong những năm của thập niên 60. Được mệnh danh là “ông hoàng bolero”, cố nhạc sĩ đã viết lên các tác phẩm làm nên tên tuổi của nhiều ca sĩ đình đám như: Thanh Thúy, Giao Linh, Thanh Tuyền, Chế Linh,…

Năm 1957, tác giả bắt đầu chấp bút viết nhạc phẩm đầu tiên có tên là “Tình thương mái lá” và “Tình thắm duyên quê”. Sau đó, dòng chảy sáng tác tuôn trào mạnh mẽ, ông dành trọn vẹn thời gian để viết nên gần 70 bài hát.

Nhạc sĩ Trúc Phương để lại cho đời nhiều bài ca bất hủ.
Nhạc sĩ Trúc Phương để lại cho đời nhiều bài ca bất hủ.

Những nhạc phẩm của ông mang bút pháp rất khác lạ, không lẫn với bất kỳ nhạc sĩ nào. Lời ca hoa mỹ, bay bổng, nhưng không cao xa. Khán giả yêu thích nhạc của Trúc Phương bởi ca từ đầy cảm xúc, thấm đẫm tình người.

Khi mới bắt đầu sự nghiệp sáng tác, “ông hoàng bolero” theo đuổi cảm hứng dòng nhạc tự tình quê hương. Sau đó, ông chỉ viết về nhạc tình yêu, với những nhớ thương, mong mỏi, khắc khoải, ly biệt, rồi vỡ òa trong cảm xúc khi được gặp lại nhau. Những cảm xúc rất chân thật, rất dung dị của những đôi lứa yêu nhau dễ được khán giả đồng cảm.

Cố nhạc sĩ Trúc Phương từng mở lớp dạy học nhạc mang tên “Trúc Phương Tự Lực” ở số 33/230, đường Gia Long, Gò Vấp. Ông đào tạo nên những ca sĩ như Thy Lệ Dung, Thy Lệ Huyền, Chinh Thông.

“Vị vua không ngai” Trúc Phương sống một cuộc đời nghèo khó, qua đời một mình vì bệnh tật

Nhạc sĩ Trúc Phương kết hôn vào năm 1960 với một người phụ nữ ở Bến Tre. Họ có với nhau sáu người con. Tính cách phóng khoáng, hào hoa, phong nhã, động cảnh sinh tình khiến cố nhạc sĩ không ít lần xiêu lòng trước những bóng hồng xinh đẹp.

Lá thư bút tay của cố nhạc sĩ Trúc Phương.
Lá thư bút tay của cố nhạc sĩ Trúc Phương.

Đây chính là cảm xúc bất tận để ông viết nên những ca khúc nổi tiếng đến tận bây giờ. “Hai Chuyến Tàu Đêm” được ông viết trong một lần về thăm quê. “Thói Đời”, “Buồn Trong Kỷ Niệm” là hai ca khúc buồn nhất, nhưng lại đều được cố nhạc sĩ vết trong khoảng thời gian hạnh phúc nhất.

Tuy nhiên, những cảnh đời buồn bã, bạc bẽo ấy lại đến với cố nhạc sĩ sau này, như một lời tiên tri định mệnh. Ở những năm cuối đời, phóng viên hiếm hoi ghi lại được lời chia sẻ của ông:

“Bài “Buồn Trong Kỷ Niệm” được tôi sáng tác trong lúc vô cùng hạnh phúc. Bởi lúc đó mới lấy vợ có đứa con đầu tiên, lúc đó đứa con gái mới có 2 tháng mấy, 3 tháng. Tôi đang ngụp lặn trong hạnh phúc.

Nhạc sĩ Trúc Phương sinh hoạt cùng hội văn nghệ sĩ.
Nhạc sĩ Trúc Phương sinh hoạt cùng hội văn nghệ sĩ.

Còn việc tôi viết bài đó thì không hiểu vì sao tôi viết. Tôi nghĩ là sau này, cái bài đó tiên tri cho mối tình của tôi. Tức là nó báo cho tôi rằng sẽ có một cái ngày mà tôi nhìn về kỷ niệm, về cái nỗi buồn kia.

Thật ra thì lúc đó tôi rất hạnh phúc. Tôi cảm ơn các tác phẩm, đã cho tôi những ngày biết trước cuộc đời tôi như thế, mà phần lớn tác phẩm đều có như thế, ngoài “Buồn Trong Kỷ Niệm” ra, còn một số tác phẩm khác.”

Nhạc sĩ Trúc Phương từng hai lần vượt biên nhưng đều không thành công. Bị bắt lại khiến ông bị tịch thu nhà số 301 Lý Thường Kiệt, Quận 11 và phải ngồi tù. Lúc ra tù, vợ con ly tán. Cố nhạc sĩ từng làm nên tên tuổi của nhiều ca sĩ tiếng tăm phải sống cảnh phiêu bạt không nhà cửa, không giấy tờ tỳ thân.

Cái nghèo từ đây luẩn quẩn quanh cuộc đời ông. Cho mãi đến lúc mất cũng không chịu buông bỏ. Nhạc sĩ lừng danh, tài hoa phải sống cuộc đời lang thang, đói rách, thiếu thốn mọi bề.

Hội văn nghệ sĩ đến thăm nhạc sĩ Trúc Phương tại bệnh viện.
Hội văn nghệ sĩ đến thăm nhạc sĩ Trúc Phương tại bệnh viện.
Cố nhạc sĩ chia sẻ về cuộc sống lang thang đầy chua xót: “Tôi sống cái kiểu rày đây mai đó, bèo dạt hoa trôi. Nếu đói thì chưa đói ngày nào, nhưng no thì chưa ngày nào được no.

Tôi không có mái nhà, vợ con cũng tan nát rồi. Tôi sống nhờ bạn bè, nhưng khốn nỗi bạn bè cũng có hoàn cảnh bi đát, khổ. Không ai đùm bọc ai được.”

“Xin Cảm Ơn Đời” là bài hát cuối cùng của cố nhạc sĩ tài hoa, được viết vào năm 1995. Ông chấp bút viết lên nhạc phẩm khi được đón nhận tình cảm thân ái của đồng nghiệp trong và ngoài nước gửi về. Chút tấm lòng an ủi cuộc sống neo đơn, túng quẫn của cố nhạc sĩ ở những năm cuối đời. Bài hát như lời tâm tình, bộc bạch của ông gửi lại cho đời lần sau cuối.

Giữa năm 1985, nhạc sĩ Trúc Phương được nhận vào công tác tại Hội Văn nghệ Cửu Long và được cấp một căn phòng tại số 6 Hưng Ðạo Vương, thị xã Vĩnh Long. Tuy nhiên, ông trở về Sài Gòn một vài năm sau đó nhờ sự giúp đỡ của bạn bè.

Khoảng thời gian lưu lạc sương gió này khiến cố nhạc sĩ mắc phải căn bệnh hen suyễn. Sức khỏe “vua nghèo không ngai” đi xuống nhanh chóng vì bệnh nặng hành hạ. Để rồi, ông từ biệt cuộc đời vào ngày ngày 18 tháng 9 năm 1995, an táng tại nghĩa trang Lái Thiêu.

Giữa lúc nhạc sĩ tài hoa phải sống cuộc đời cơ cực, thì hầu hết các trung tâm ở hải ngoại đều sử dụng nhạc của ông để phát triển mà không phải trả tiền bản quyền. Đĩa đơn các nhạc phẩm của Trúc Phương được bán ra mang về doanh thu khổng lồ. Vẫn có một số ít ca sĩ gửi tiền về cho cố nhạc sĩ, liên tục nhất là ca sĩ Thanh Thúy.

Tài hoa của nhạc sĩ Trúc Phương không lẫn với bất kỳ nhạc sĩ tên tuổi nào cả. Tuy nhiên, số phận bi đát đeo bám, ông phải sống những năm cuối đời lang bạt. Là “vua của dòng nhạc bolero”, ông để lại cho đời nhiều nhạc phẩm có giá trị vĩnh cửu.

Tiểu sử nhạc sĩ Trúc Phương

• Họ và tên: Nguyễn Thiên Lộc
• Nghệ danh: Trúc Phương
• Sinh nhật: 1933
• Ngày mất: 18 tháng 9 năm 1995 (61–62 tuổi)
• Chiều cao: Khoảng 1,60m
• Nơi sinh: Mỹ Hòa, Cầu Ngang, Trà Vinh, Nam Kỳ, Liên bang Đông Dương
• Quốc tịch: Việt Nam
• Nghề nghiệp: Nhạc sĩ
• Tuổi nghề: 1957 – 1995

Tác giả Ngọc Bích

Tôi thận trọng góp nhặt từng mảnh chữ nhỏ bé để hiến dâng cho cuộc đời. Đó là cách tôi chạm tay tới hạnh phúc. Cảm ơn bạn đã ghé thăm bài viết của tôi trên Tạp chí điện tử Người Nổi Tiếng.

Nhạc sĩ Thanh Tùng – Người đặt nền móng cho những giá trị âm nhạc bền vững

Cố nhạc sĩ Xuân Phương và những đóng góp vượt thời gian cho nền âm nhạc Việt