in

Nhạc sĩ Anh Bằng ‘đào hoa’ và những khúc ‘tình ca’ đi cùng năm tháng

, 19/09/2021 | 07:07

(Nguoinoitieng.vn) – Nhạc sĩ Anh Bằng được coi là “cây đại thụ” trong làng âm nhạc Việt Nam với một gia sản sáng tác khổng lồ. Dù ông đã ra đi nhưng những tình khúc của ông vẫn luôn sống mãi trong trái tim người yêu nhạc.

Tiểu sử nhạc sĩ Anh Bằng

  • Tên khai sinh: Trần An Bường
  • Ông sinh ngày: 05.05.1926
  • Ông mất ngày: 12.11.2015 (hưởng dương 89 năm)
  • Quê quán: Nga Sơn, Thanh Hóa
  • Nghề nghiệp: Nhà viết kịch, Nhạc sĩ
  • Thể loại sáng tác: Tình khúc 1954-1975, nhạc vàng, nhạc trẻ, nhạc hải ngoại

Những chương trình vinh danh ông:

  • Asia 15: Tình ca Anh Bằng (1997)
  • Asia 52: Huyền thoại Lê Minh Bằng (2006)
  • Asia 62: Anh Bằng – Một đời cho âm nhạc (2009)
  • Asia Golden 1: Anh Bằng – Dòng nhạc lưu vong (2011)
  • Asia 77: Dòng nhạc Anh Bằng, Lam Phương (2015)
  • Quyển sách “Kỷ niệm về NS Anh Bằng – Dòng nhạc trong lòng dân tộc (2009)
Nhạc sĩ Anh Bằng để cho đời những tình khúc đi cùng năm tháng.
Nhạc sĩ Anh Bằng để cho đời những tình khúc đi cùng năm tháng.

Sự nghiệp âm nhạc vang dội của nhạc sĩ Anh Bằng

Khi nhắc tới nhạc sĩ Anh Bằng, chắc hẳn các đồng nghiệp và khán giả đều cảm thấy nể phục với khối gia tài sáng tác khổng lồ của ông, khoảng 650 tình khúc. Để có được gia tài này, ông đã phải trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống.

Vào năm 1935, cậu bé Trần An Bường ngày đó phải xa gia đình để học Tiểu chủng viện Ba Làng, Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Sau đó, ông ra Hà Nội để theo học Trung học.

Đến năm 1954, ông di cư vào Nam cùng gia đình và sinh sống tại khu Bà Chiểu, Sài Gòn cho đến năm 1975.

Khoảng thời gian sống trong Sài Gòn là thời kỳ vang dội trong sự nghiệp sáng tác của ông khi nhạc sĩ cho ra đời nhiều tác phẩm để đời và phổ nhạc cho các tác phẩm nổi tiếng. Tiêu biểu trong đó là Nỗi lòng người đi, Nếu vắng anh, Hoa học trò, Người thợ săn và đàn chim nhỏ…

Hình ảnh nhạc sĩ Anh Bằng thời trẻ với quá khứ vàng son.
Hình ảnh nhạc sĩ Anh Bằng thời trẻ với quá khứ vàng son.

Các ca khúc của nhạc sĩ Anh Bằng gắn liền với tên tuổi của những ca sĩ đình đám thời bấy giờ là Ngọc Lan, Tuấn Ngọc, Khánh Ly.

Đến năm 1957, ông gia nhập Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Trong thời gian ở quân đội, đam mê âm nhạc của ông càng sục sôi khi vừa là đạo diễn vừa là diễn viên trong ban kịch Liên đoàn Công binh. Vở kịch nổi tiếng của ông thời điểm đó là Đứa con nuôi, đã đoạt giải Văn học Nghệ thuật toàn quốc.

Cũng trong thời gian sống tại Sài Gòn, ông đã cùng 2 nhạc sĩ khác là Lê Dinh và Minh Kỳ thành lập nhóm Lê Minh Bằng, quản lý nhà xuất bản và hãng đĩa Sóng Nhạc. Nhóm nhạc này đã để lại nhiều ca khúc bất hủ, ghi dấu ấn qua nhiều thế hệ, tiêu biểu là Chuyện tình Lan và Điệp.

Đến năm 1975, ông sang Mỹ cùng gia đình. Ở tuổi 50, trong ông vẫn cháy bùng lên ngọn lửa đam mê âm nhạc.

Vì vậy ông đã cống hiến tài năng của mình cho khán giả khi kết hợp hoạt động âm nhạc với Trung tâm sản xuất và phát hành băng nhạc cassette Dạ Lan, sau đó là Trung tâm Asia.

Đây cũng là một trong những thời kỳ đỉnh cao trong sự nghiệp của ông với một loạt ca khúc hải ngoại đình đám như Chuyện giàn thiên lý, Anh còn nợ em, Khúc thụy du, Kỳ diệu, Mai tôi đi, Căn gác lưu đày.

Đặc biệt, Khúc thụy du là ca khúc gây ám ảnh nhất trong gia tài sáng tác của vị nhạc sĩ đa tài này. Một chuyên gia đã từng đánh giá: “Khúc thụy du” là bản nhạc “vạn người mê” bởi bài thơ gốc của Du Tử Lê đi sâu vào thân phận chiến tranh, còn ca khúc khi được Anh Bằng phổ nhạc, đã khắc họa tình yêu trong cuộc đời”.

Đến cuối đời, nhạc sĩ Anh Bằng gặp vấn đề về thính giác khiến ông chỉ nghe được 10% âm thanh bên ngoài. Nhưng không vì thế mà ông dừng sự nghiệp sáng tác, thậm chí ông còn sục sôi hơn với đam mê của mình.

Những đêm ca nhạc tưởng nhớ nhạc sĩ Anh Bằng luôn nhận được sự qua tâm của khán giả.
Những đêm ca nhạc tưởng nhớ nhạc sĩ Anh Bằng luôn nhận được sự qua tâm của khán giả.

Đến năm 2015, ông qua đời tại Mỹ sau 8 năm điều trị căn bệnh ung thư gan, để lại cho đời những giai điệu bất hủ, mãi vang vọng trong trái tim bao thế hệ yêu nhạc Việt Nam.

Vị nhạc sĩ đào hoa, luôn đưa cái tình vào bài hát

Khi nói về ngôn ngữ âm nhạc của nhạc sĩ Anh Bằng thì không thể phủ nhận những ca khúc của ông luôn giàu tính lãng mạn, réo rắt vào tâm can người nghe.

Đó là lý do vì sao đến tận ngày nay, ở những quán café hoài cổ, chúng ta vẫn nghe thấy những giai điệu dìu dặt, lắng đọng của Khúc Thụy Du hay tha thiết, say đắm của Anh Còn Nợ Em hoặc day dứt, nồng nàn của Sầu Lẻ Bóng.

Với tài năng đưa cảm xúc vào từng câu từ, nhạc sĩ Anh Bằng đã chuyền tải được cái đẹp, cái hay để những ca từ đi sâu vào lòng người, chẳng thể phôi pha.

Và để cho ra được những tình khúc bất hủ đó, nhạc sĩ Anh Bằng đã trải qua nhiều cuộc tình nhưng ông lại rất chung thủy sống với vợ mình suốt 60 năm cho đến khi qua đời.

Trong mắt bạn bè, đồng nghiệp, ông vẫn luôn là con người hào hoa, lịch lãm. Ca sĩ Bảo Yến đã từng nói: “Anh Bằng đúng kiểu người Hà Nội xưa, lúc nào cũng áo sơ mi cài kín cổ, khoác áo vest phong độ. Ở ông có nét cổ kính dù ông sống ở Mỹ lâu rồi. Ông nhỏ người nhưng đẹp lão”.

Tác giả Nguyễn Đắc Hải

“Viết để bộc bạch, để khám phá và được là chính mình” - đó là cách tôi gửi tặng cho đời những câu chuyện tuyệt vời và nhân văn. Cảm ơn bạn vì đã biết đến tôi với vị trí Thư ký tòa soạn của Tạp chí điện tử Người Nổi Tiếng.

Cố nhạc sĩ Từ Huy và những tháng ngày ‘phiêu diêu’ nơi trần thế

Nhạc sĩ Bảo Chấn – ‘ông hoàng nhạc nhẹ’ của Làn sóng xanh