NSƯT Thành Lộc - ‘Phù thủy sân khấu’ đa tài của nghệ thuật Việt Nam
in

NSƯT Thành Lộc – ‘Phù thủy sân khấu’ đa tài của nghệ thuật Việt Nam

, 07/01/2024 | 20:20

(Nguoinoitieng.vn) – NSƯT Thành Lộc là một trong những nghệ sĩ sân khấu kịch thành công của thập niên 80 – 90. Với những đóng góp và cống hiến to lớn cho nghệ thuật nước nhà, Thành Lộc đã trở thành “cây đại thụ” có sức ảnh hưởng lớn đối với thế hệ trẻ sau này.

“Ngọn lửa nghệ thuật” luôn rực cháy 

NSƯT Thành Lộc sinh ngày 3 tháng 11 năm 1961, trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Cha anh là NSND Thành Tôn, mẹ là ca nương Huỳnh Mai – nghệ sĩ hát bội chuyên nghiệp. 

Do đó, “máu nghệ thuật” chảy trong người Thành Lộc ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Việc anh tiếp nối nghiệp diễn của gia đình như một lẽ đương nhiên, chỉ là sớm hay muộn.

Nghệ sĩ Thành Lộc và cha - NSND Thành Tôn.
Nghệ sĩ Thành Lộc và cha – NSND Thành Tôn.

Thành Lộc tâm sự, tuổi thơ anh gắn liền với những giai điệu âm nhạc truyền thống. Khi còn nhỏ, anh thường ngồi trên gác xếp, hướng mắt nhìn về phía sân khấu trong đình Cầu Quan để theo dõi các nghệ sĩ biểu diễn.

Thế giới qua lăng kính của cậu bé Thành Lộc ngày ấy chỉ là những tiếng trống, tiếng phách cùng các điệu múa dân gian truyền thống muôn hình vạn trạng. Hình ảnh về những loại trang phục biểu diễn khi đó đã để lại trong tâm trí người nghệ sĩ tài năng một ấn tượng khó phai.

NSUT Thành Lộc bị hấp dẫn bởi ánh đèn màu. Anh chia sẻ: “Tôi thường đến các ngã tư ngắm nhìn cây cột đèn chuyển màu từ xanh sang đỏ, rồi sang vàng”. Đồng thời, anh còn hứng thú với thủy tinh, màu sắc, ánh sáng và những ảo ảnh được tạo nên từ những thứ ấy.

Ngày qua ngày, những trang phục biểu diễn, ánh đèn màu lung linh huyền ảo cứ ngập tràn, rồi dần dần thấm đẫm vào từng tế bào, hòa quyện vào màu thịt và tâm hồn anh.

Bộc lộ năng khiếu nghệ thuật từ nhỏ, nam nghệ sĩ “Ngày xửa ngày xưa” tham gia đội múa khi mới 7 tuổi tại nhà thiếu nhi thành phố. Khi ấy, anh tham gia biểu diễn kịch với nghệ danh Thành Tâm và chính thức gia nhập vào ban kịch thiếu nhi của Đài truyền hình Việt Nam vào năm 14 tuổi.

Sự nghiệp diễn xuất bắt đầu khi anh gia nhập Câu lạc bộ Kịch thể nghiệm TP HCM – tiền thân của Nhà hát Sân khấu 5B. Tại đây, nghệ sĩ “Phượng khấu” từng bước tạo dựng tên tuổi với loạt tác phẩm ăn khách đình đám.

Năm 1997, với lời mời của ông bầu Huỳnh Anh Tuấn, Thành Lộc chuyển sang sân khấu mới mang tên IDECAF (Viện trao đổi văn hóa với nước Pháp). Kể từ đây, anh chính thức bắt tay cùng những nghệ sĩ gạo cội, xây dựng nên thời kỳ hoàng kim của một trong những sân khấu ăn khách bậc nhất Sài Gòn.

Thành Lộc diễn vở “Cậu đồng” tại sân khấu kịch IDECAF.
Thành Lộc diễn vở “Cậu đồng” tại sân khấu kịch IDECAF.

Với tài năng thiên phú cùng sự nỗ lực không ngừng nghỉ, NSƯT Thành Lộc đã thành công chinh phục giới điệu mộ, trở thành cái tên “huyền thoại” trong làng kịch nói. 

Hành trình rực rỡ hơn hai thập kỷ với IDECAF

Nếu nói sân khấu IDECAF là “cái nôi” của nghệ thuật thì Thành Lộc đích thị là người kiến tạo, người đặt nền móng cho những giá trị nghệ thuật thực thụ. Một nghệ sĩ có thể hóa thân thành nhiều dạng nhân vật, dẫn dắt và xoay chuyển cảm xúc của khán giả, làm cho người ta khóc cười đảo điên, vui buồn lẫn lộn. 

Có thể nói, Thành Lộc là mảnh ghép hiếm hoi của làng giải trí Việt khi có thể biến hóa tài tình từ chính kịch, bi kịch đến hài kịch. 

Nhắc đến IDECAF không thể không nhắc đến những cống hiến, đóng góp cao cả của anh dành cho nghệ thuật kịch. Với người hâm mộ, Thành Lộc là thanh xuân, là cả một bầu trời ký ức. Nhưng đối với thế hệ diễn viên trẻ, anh không chỉ là người cộng sự tài hoa mà còn là người thầy cần mẫn với trái tim nhiệt huyết luôn rung cảm vì nghệ thuật.

Thành Lộc diễn vở “Cậu đồng” tại sân khấu kịch IDECAF.
Thành Lộc diễn vở “Cậu đồng” tại sân khấu kịch IDECAF.

Mỗi một tác phẩm của anh đều để lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng khán giả, đặc biệt đối với công chúng yêu kịch.

“Cậu Đồng” – tác phẩm xuất sắc mang về cho nam nghệ sĩ Giải Mai Vàng 1998 ở hạng mục Nghệ sĩ kịch nói. Đây là một trong những vở diễn thành công nhất trong sự nghiệp sân khấu kịch của anh. 

Với màn hóa thân “thần sầu” vào vai nhà tu hành, Thành Lộc đã lồng ghép khéo léo kỹ thuật múa bóng rỗi kết hợp với cải lương Nam bộ vào các đoạn “lên đồng”, dẫn dắt người xem đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Đây cũng là vở diễn phá đảo mọi kỷ lục về suất diễn của IDECAF, luôn trong tình trạng “cháy vé” mỗi khi tái diễn.

Ngoài ra, tên tuổi của “bậc thầy diễn xuất” còn gắn liền với những tác phẩm đình đám khác như: vai ông Tư – “Dạ cổ hoài lang”, Chu Xung – “Lôi Vũ”, ông Thiện – “Ngôi nhà không có đàn ông”,… Qua từng tác phẩm, từng phân vai, Thành Lộc mang đến cho khán giả màn biểu diễn mãn nhãn nhất, mang đến cho người xem những cung bậc cảm xúc và trải nghiệm khó quên.

Ngoài tài năng diễn xuất “nhập thần”, anh còn là một đạo diễn tài ba, người đứng sau hàng loạt tác phẩm nổi tiếng như: “Bí mật vườn Lệ Chi”, “Ngàn năm tình sử”. Sự thành công vang dội của 2 vở diễn đã giúp Thành Lộc chạm tay đến giải thưởng Đạo diễn sân khấu tại Lễ trao giải Mai Vàng năm 2007 và 2009.

NSƯT Bảo Quốc tận tay trao giải cho NSƯT Thành Lộc tại Lễ trao giải Mai vàng.
NSƯT Bảo Quốc tận tay trao giải cho NSƯT Thành Lộc tại Lễ trao giải Mai vàng.

Tưởng chừng IDECAF sẽ là chốn dừng chân cuối cùng, nơi anh tiếp tục cống hiến và truyền thụ kinh nghiệm cho lớp trẻ. Thế nhưng mới đây, nam nghệ sĩ thông báo trước truyền thông đã “dứt áo ra đi” trước sự ngỡ ngàng, tiếc nuối của hàng vạn người hâm mộ.

Ngoài 60 tuổi vẫn sống một mình, quyết hiến xác cho y học

Với những cống hiến và đóng góp cho nghệ thuật nước nhà, Thành Lộc chính thức được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú vào năm 2001.

Tuy sự nghiệp đạt đến đỉnh cao danh vọng, được người người ngưỡng mộ, kính trọng nhưng đến nay, “phù thủy sân khấu” vẫn cô đơn lẻ bóng. 

Nam nghệ sĩ thừa nhận: “Bản thân tôi thấy mình kiếm tiền và trang trải mọi thứ rất khó chứ không dễ, nếu lập gia đình phải có trách nhiệm với vợ con. Vậy nên tôi thấy mình không đủ sức”.

Chia sẻ về quyết định không lập gia đình, anh cho biết mình hoàn toàn vui vẻ về lựa chọn của bản thân. Cho dù phải sống một đời độc thân nhưng anh chưa bao giờ cảm thấy buồn hay ân hận vì anh biết mọi thứ trên đời đều có cái giá của nó.

Ngoài ra, NSƯT Thành Lộc cũng công bố bản thân sẽ hiến xác cho y học khi “nằm xuống”. Bạn bè đồng nghiệp và công chúng không khỏi ngưỡng mộ và bày tỏ tình cảm chân quý trước nghĩa cử cao đẹp của nam nghệ sĩ. 

Thành Lộc khoe Giấy chứng nhận tự nguyện hiến xác sau khi qua đời cho y học.
Thành Lộc khoe Giấy chứng nhận tự nguyện hiến xác sau khi qua đời cho y học.

Hành động nhân văn của Thành Lộc không chỉ lan tỏa được ý nghĩa của câu chuyện hiến tặng cơ thể sau khi qua đời mà còn truyền cảm hứng cho những người trẻ với thông điệp: “Cho sự sống nối dài”.

Tiểu sử NSƯT Thành Lộc

• Họ và tên: Nguyễn Thành Lộc
• Sinh nhật: 3 tháng 11 năm 1961 (63 tuổi)
• Chiều cao: 1,65m
• Nơi sinh: Thành phố Hồ Chí Minh
• Nơi ở hiện tại: Thành phố Hồ Chí Minh.
• Quốc tịch: Việt Nam
• Tuổi nghề: Đang cập nhật

Tác giả Ngọc Bích

Tôi thận trọng góp nhặt từng mảnh chữ nhỏ bé để hiến dâng cho cuộc đời. Đó là cách tôi chạm tay tới hạnh phúc. Cảm ơn bạn đã ghé thăm bài viết của tôi trên Tạp chí điện tử Người Nổi Tiếng.

Cựu người mẫu Thúy Hằng: Thành quả gọi tên sau 20 năm nỗ lực, cống hiến

Cố nhạc sĩ Phú Quang – Con đường sự nghiệp lừng lẫy và những bóng hồng bước qua cuộc đời