in

Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, người đã ‘cống hiến’ cả ‘một đời’ cho âm nhạc Việt Nam?

, 04/10/2020 | 00:59

(Nguoinoitieng.vn) – Trầm Tử Thiêng được đánh giá là vị nhạc sĩ ‘đa tài’ của làng âm nhạc Việt Nam. Trong số các nhạc sĩ miền Nam trước năm 1975, ông là người có thể viết được đa dạng thể loại âm nhạc nhất, ông cũng là vị nhạc sĩ có sức sáng tác ‘mạnh mẽ’ và ‘sôi nổi’ nhất cả trước và sau năm 1975.

Trải qua thời thơ ấu trong những năm tháng chiến tranh tại liên khu 4 Nam – Ngãi, năm lên 10 tuổi Trầm Tử Thiêng đã thể hiện được tài năng âm nhạc của mình, khi bắt đầu ca hát ở các miền quê.

Niềm đam mê của ông ngày càng được hun đúc khi ông lên Sài Gòn học và tham gia các hoạt động âm nhạc.

Sự nghiệp sáng tác của ông bắt đầu từ năm 1958, khi ông vừa tốt nghiệp trường sư phạm và trở thành một thầy giáo, chăm sóc đàn trẻ thơ. Một trong những bài hát đưa tên tuổi của Trầm Tử Thiêng đến gần hơn với người yêu nhạc là bài ‘Bài hương ca vô tận’.

Nhạc phẩm ‘Bài hương ca vô tận’ qua tiếng hát vượt thời gian của bà Thái Thanh

Đến năm 1966, ông nhập ngũ và từ đó ông sáng tác nhiều bản nhạc về người lính như: Đêm di hành, Quân trường vang tiếng gọi, Mưa trên poncho… Ngoài ra ông cũng sáng tác nhiều tình khúc nổi tiếng, in sâu vào lòng người nghe nhạc như: Mây hạ, Mười năm yêu em, Kinh khổ, Tình ca mùa đông, Chợt nghĩ về hai nơi…

“Ở thế hệ thứ hai của sinh hoạt 20 năm âm nhạc miền Nam (1954-1975), nếu có một người lặng lẽ nhất trong mọi sinh hoạt, khiêm tốn nhất trong mọi lần xuất hiện, thì có lẽ đó là nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng.”

Nhà thơ Du Tử Lê
Đến năm 1985, ông đến Hoa Kỳ và định cư tại Little Saigon, tiểu bang California. Tại đây, ông đã cùng Trúc Hồ sáng tác nhiều ca khúc nhớ về đất nước như: Một ngày Việt Nam, Việt Nam miền nhớ, Bước chân Việt Nam…

Một số tình khúc cũng gắn liền với tên tuổi của ông trong thời gian đó là: Đêm, Cơn mùa hạ, Đã qua thời mong chờ… Đặc biệt, ca khúc Đêm nhớ về Sài Gòn của ông đã tạo được tiếng vang và được nhiều người biết đến.

Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng và ca sĩ Duy Khánh
Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng và ca sĩ Duy Khánh – Nguồn Jimmy Nhựt Hà

Đôi nét về tiểu sử nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng

  • Họ và tên: Nguyễn Văn Lợi
  • Nghệ danh: Trầm Tử Thiêng
  • Ngày sinh: 01.10.1937 (trên giấy tờ ghi sinh năm 1940)
  • Ngày mất: 25.01.2000 (hưởng dương 63 tuổi)
  • Nguyên quán: Đại An, Đại Lộc, Quảng Nam
  • Nghề nghiệp: Nhà giáo, Nhạc sĩ
  • Thể loại sáng tác: Nhạc vàng, Nhạc thiếu nhi, Tình khúc (1954 – 1975)

Album nổi tiếng

  • Tuyển tập nhạc Trên đỉnh yêu đương – 16 bài tình ca (1969)
  • Tuyển tập nhạc Tình ca dọc đường – 18 bài ca yêu thương sầu muộn (1970)
  • Tuyển tập nhạc Dòng nhạc Trầm Tử Thiêng – 20 nhạc phẩm (2000)

Một Trầm Tử Thiêng ‘luôn khiêm nhường’ và ‘rất đa tài’?

Với một khối gia tài âm nhạc đồ sộ, nhưng vị nhạc sĩ đa tài của chúng ta vẫn luôn sống lặng lẽ, khiêm tốn. Bởi có lẽ ông vẫn mang trong mình hình ảnh của người thầy giáo hiền hòa, gắn liền với bảng đen và phấn trắng.

Nếu ai đó hỏi nhạc của Trầm Tử Thiêng có gì ấn tượng, thì có lẽ đó là những giai điệu vừa thổn thức vừa rực rỡ, đi sâu vào tâm can người nghe, làm rạo rực tâm hồn và xúc cảm.

Trong đời thường, ông lấy khiêm tốn làm lẽ sống thì trong âm nhạc, ông dùng cảm xúc của mình để mở đường, phá tan đi mọi quy tắc, khai phá những điều mới mẻ nhất.

Có thể nói, bản chất nhà giáo cũng đã đào tạo Trầm Tử Thiêng trở thành một vị nhạc sĩ nhân hậu nhưng rất thẳng thắn, luôn đấu tranh hết mình cho lẽ phải.

“Tất cả chúng ta đều chịu ơn nhau…
Biết cám ơn và biết xin lỗi đúng lúc, thế giới này sẽ bình yên và tốt đẹp hơn.”

Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng
Câu nói của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng
Một trong số bìa đĩa CD (phát hành năm 2000) của Trung tâm Asia, có trích dẫn câu nói của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng.

Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng ‘chép sử lưu vong’ bằng âm nhạc?

Và cũng vẫn là Trầm Tử Thiêng, trái với bản chất lặng lẽ, âm nhạc của ông lại luôn chọn đứng liền với ngọn sóng quê hương, đỉnh dốc dân tộc. Trái tim ông luôn hòa cùng nhịp đập đất nước, nhịp đập của ngọn triều thế sự.

Nhạc sĩ Anh Bằng

“Trầm Tử Thiêng có một khả năng đặc biệt, đó là khả năng nhạy bén của một nhạc sĩ viết được những ca khúc giá trị cho chiến dịch. Trầm Tử Thiêng không chỉ là kẻ viết sử bằng âm nhạc, mà còn chính là nhân chứng của từng giai đoạn lịch sử đa đoan, hàm hỗn của đất nước.”

Trong suốt cuộc đời của mình, nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng đã sống một cuộc đời bình bị, pha chút cô đơn, lúc ra đi thì bình thản, lặng lẽ.

Ông và âm nhạc của ông, chính là một kho tàng âm nhạc vĩ đại. Trong những ca khúc ông viết, hai chữ “Việt Nam” luôn luôn hiện hữu, chứa chan thương yêu, ngọt ngào và đầy hy vọng. Ông đã cống hiến cả một đời cho âm nhạc Việt Nam.

Tác giả Đặng Xuân Tới

“Viết tử tế - viết thật hay, hoặc là không viết”
Câu nói đó tôi đã tự đặt ra và coi là giới hạn, là chuẩn mực theo đuổi của bản thân mình mỗi khi viết. Cảm ơn bạn vì đã ghé thăm bài viết của tôi trên Tạp chí điện tử Người Nổi Tiếng.

Tiểu sử hoa hậu Khánh Vân, nàng hậu đa tài của showbiz Việt

Tiểu Diva Hương Tràm và hành trình ‘đi tìm’ bản ngã