in

Danh ca Thái Thanh – tiếng hát ‘trác tuyệt’ vượt thời gian của làng nhạc Việt

, 22/09/2021 | 09:09

(Nguoinoitieng.vn) – Khi nhắc tới âm nhạc giai đoạn cuối thập niên 50 thế kỷ trước thì không thể không nhắc tới giọng ca tuyệt vời của đệ nhất danh ca Thái Thanh. Bà được mệnh danh là Tiếng hát vượt thời gian và là một trong những giọng ca tiêu biểu nhất của tân nhạc Việt Nam.

Tiểu sử danh ca Thái Thanh

  • Tên khai sinh: Phạm Thị Băng Thanh
  • Nghệ danh: Thái Thanh
  • Bà sinh ngày: 05.08.1934
  • Bà mất ngày: 17.03.2020 (hưởng dương 86 năm)
  • Quê quán: Hà Nội
  • Thể loại nhạc: Tình khúc 1945 – 1975, Nhạc tiền chiến, Nhạc kháng chiến
  • Thời gian hoạt động: 1948 – 2002

Những ca khúc làm nên tên tuổi đệ nhất danh ca Thái Thanh:

  • Ngày xưa Hoàng Thị
  • Cỏ hồng
  • Nghìn trùng xa cách
  • Áo anh sứt chỉ đường tà
  • Kỷ vật cho em
  • Đưa em tìm động hoa vàng
  • Nửa hồn thương đau

Nhìn lại thời kỳ đỉnh cao của nữ danh ca

Danh ca Thái Thanh bén duyên nghệ thuật từ khá sớm. Năm 14 tuổi, bà đã đi hát trong vùng kháng chiến cùng ban hợp ca Thăng Long của gia đình và nhanh chóng nổi tiếng.

Mặc dù không theo học bất kỳ một lớp nhạc chuyên nghiệp nào nhưng nữ danh ca đã sớm luyện giọng từ nhỏ. Bà chăm chỉ học theo lối hát dân cả của đồng bằng Bắc Bộ, lại đọc thêm sách nhạc tiếng Pháp.

Giọng ca Thái Thanh luôn mang một dấu ấn đặc biệt, hòa trộn tinh tế giữa dân nhạc Việt Nam và tính chất opera Tây Phương.
Giọng ca Thái Thanh luôn mang một dấu ấn đặc biệt, hòa trộn tinh tế giữa dân nhạc Việt Nam và tính chất opera Tây Phương.

Điều may mắn cho danh ca Thái Thanh đó là bà sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuât. Chị gái bà là ca sĩ Thái Hằng, anh trai là một nhạc sĩ, ca sĩ có tiếng của tân nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Phạm Đình Chương.

Sau khi nhạc sĩ Phạm Duy lấy ca sĩ Thái Hằng, danh ca Thái Thanh đã được anh rể nâng đỡ và đào tạo về giọng hát.

Năm 1951, bà theo gia đình Phạm Duy vào Sài Gòn. Đây là thời điểm giọng ca Thái Thanh được chắp cánh và nở rộ. Cả giới trí thức lẫn bình dân, ai ai cũng đều bị thuyết phục bởi giọng ca tuyệt vời của bà.

Giọng ca của bà rất hợp với nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy, từ những bài nhạc về quê hương đến nhạc kháng chiến hay nhạc tình… tất cả đều trở nên bất hủ với giọng ca Thái Thanh. Ở thời điểm đó, bà được coi như một diva tầm cỡ của âm nhạc Việt Nam.

Giọng hát của bà luôn được cất cao và ngự trị trên hầu hết các chương trình ca nhạc lớn nhỏ.

Tên tuổi của danh ca Thái Thanh gắn liền với những nhạc phẩm của nhạc sĩ Phạm Duy.
Tên tuổi của danh ca Thái Thanh gắn liền với những nhạc phẩm của nhạc sĩ Phạm Duy.

Đến năm 1985, bà sang Mỹ định cư cùng gia đình. Ở nơi đất khách, bà vẫn mang tiếng hát của mình đi phục vụ đồng bào Việt Nam tại Mỹ và bà còn mở lớp dạy hát để đào tạo các ca sĩ trẻ.

Năm 2000, danh ca Thái Thanh bị tai biến mạch máu não. Đến năm 2002, bà tuyên bố giải nghệ tuy nhiên bà vẫn thỉnh thoảng góp giọng trong các chương trình nghệ thuật với vai trò đặc biệt.

Vào ngày 17/3/2020, bà đã qua đời tại Mỹ, hưởng thọ 86 tuổi. Sự ra đi của bà đã để lại niềm tiếc thương vô hạn cho giới văn nghệ sĩ cũng như người hâm mộ.

Sau này dù đã lớn tuổi, danh ca Thái Thanh vẫn góp giọng trong một vài chương trình nghệ thuật.
Sau này dù đã lớn tuổi, danh ca Thái Thanh vẫn góp giọng trong một vài chương trình nghệ thuật.

Giọng ca trác tuyệt còn mãi trong lòng người hâm mộ

Có thể nói giọng ca Thái Thanh chính là một huyền thoại của làng nhạc Việt. Những tình khúc của bà như Trả lại em yêu, Nghìn trùng xa cách, Đường chiều là rụng… luôn in dấu trong lòng người hâm mộ.

Với những ai yêu quê hương, yêu ca sử Việt thì sẽ không thể quên được giọng ca Thái Thanh với những ca khúc Trường ca Mẹ Việt Nam, Kỷ niệm, Tình ca, Trường ca con đường cái quan.

Nhiều người nhận xét các ca khúc qua giọng ca của Thái Thanh đều nồng nàn, thổn thức hơn nguyên bản. Cách nhả chữ của bà cũng trau chuốt hơn hẳn khiến tiếng Việt trở nên lộng lẫy.

Danh ca Thái Thanh bên chị gái là ca sĩ Thái Hằng (trái).
Danh ca Thái Thanh bên chị gái là ca sĩ Thái Hằng (trái).

Khi nói về giọng ca Thái Thanh, giới văn nghệ sĩ cũng dành nhiều lời lẽ ưu ái.

Nhạc sĩ Phạm Duy từng nói về giọng ca của bà: “Giọng hát Thái Thanh, một giọng hát diễm tuyệt: tất cả hạnh phúc và khổ đau của kiếp người bị đày đọa trong chiến tranh và hòa bình, trong vinh quang và khổ nhục, trong hy vọng và tuyệt vọng qua những bản nhạc khóc, cười, nổi, trôi theo mệnh nước”.

Nhà phê bình văn học Phạm Khuê cũng từng chia sẻ: “Thái Thanh là một danh hiệu, nhưng như có ý nghĩa tiền định: bầu-trời-xanh-tiếng-hát. Hay tiếng hát xanh thắm màu trời. Tiếng hát long lanh đáy nước trong thơ Nguyễn Du, lơ lửng trời xanh ngắt trong vòm thu Yên Ðổ, tiếng hát sâu chót vót dưới đáy Tràng Giang Huy Cận, hay đẫm sương trăng, ngừng lưng trời trong không gian Xuân Diệu, tiếng hát cao như thông vút, buồn như liễu đến từ cõi thiên thai nào đó trong mộng tưởng Thế Lữ”.

Trong phần viết về Thái Thanh, nhà văn Nguyễn Đình Toàn cũng nhận định: “Trong một nửa thế kỷ qua, tiếng hát Thái Thanh đã gắn liền với vận mạng của xứ sở. Người ta nghe tiếng hát ấy trong mọi hoàn cảnh, vui cũng như buồn. Có thể nói, âm nhạc Việt Nam biến đổi theo lịch sử đến đâu, có tiếng hát Thái Thanh đến đó…”.

Có lẽ mãi sau này, giọng ca của bà vẫn in sâu trong lòng người hâm mộ mà khó ca sĩ nào có thể thay thế được.

Tác giả Nguyễn Đắc Hải

“Viết để bộc bạch, để khám phá và được là chính mình” - đó là cách tôi gửi tặng cho đời những câu chuyện tuyệt vời và nhân văn. Cảm ơn bạn vì đã biết đến tôi với vị trí Thư ký tòa soạn của Tạp chí điện tử Người Nổi Tiếng.

NSƯT Hà Thủy – người sống để chắp cánh cho những ‘ngôi sao’?

Nhạc sĩ Giao Tiên ‘tài hoa’ với 1.500 nhạc phẩm?