in

Nếu tâm ‘không cân bằng’ thì tuổi nào chẳng có chênh vênh

, 01/10/2021 | 09:09

(Nguoinoitieng.vn) – Dạo trước mình hay bị ám ảnh bởi cụm từ “chênh vênh tuổi 20”. Mình cho rằng đó là một điều gì đó rất đáng sợ.

Mình từng đem cụm từ đó thổ lộ với một người chị mình quen qua một group viết lách, chị ấy bảo rằng đó chỉ là những điều mà mọi người nghiêm trọng hóa nó lên thôi. Vì thực ra, nó không có quá đáng sợ như những câu chuyện được thêu dệt nên bởi biết bao ngòi bút.

Đó chỉ là những điều mà mọi người nghiêm trọng hóa nó lên thôi.
Đó chỉ là những điều mà mọi người nghiêm trọng hóa nó lên thôi.
Mình đã từng nghĩ, “chênh vênh tuổi 20” là khi nhìn bạn bè xung quanh ai cũng giỏi giang trong khi đó nhìn lại bản thân thì chỉ thấy mình kém cỏi; là khi chơi vơi không biết bản thân rốt cuộc muốn gì, muốn trở thành người như thế nào; là những khoảnh khắc thấy mình thật nhỏ bé giữa dòng đời đầy vội vã xô bồ; là khi trong lòng nặng trĩu tâm sự nhưng không thể tìm thấy một người để sẻ chia…

Ngẫm nghĩ lại thì quanh đi quẩn lại cũng chỉ có mấy vấn đề kiểu như thế. Thực sự nhiều khi nhìn lại mình cảm thấy có nhiều chuyện đáng lẽ ra mình không nên bận tâm đến vậy.

Nếu bạn là người hay lướt Facebook vào lúc đêm muộn, bạn cũng có thể dễ dàng bắt gặp những dạng bài bộc lộ những vụn vỡ trong tâm hồn: cô đơn, lạc lõng, bất lực, đau khổ, thất tình…

Có lẽ đêm là thời gian mà những cảm xúc thầm kín của mỗi người dễ được đẩy lên đỉnh điểm. Mình cũng từng rất thích đọc những dạng bài kiểu như vậy, vì chúng đánh đúng tâm trạng của bản thân.

Từng câu, từng chữ như len lỏi được vào tận những ngõ ngách trong sâu thẳm tâm hồn vậy. Rồi sau khi đọc những bài như vậy, mình lại ước ao có một ai đó bên cạnh để mình trút bầu tâm sự; nhưng sau đó lại thất vọng mà nhận ra rằng: “Nhưng mà làm gì có ai đâu.”

Chính vì mình từng kì vọng có thể lấy người khác làm điểm tựa tinh thần nên mình sinh ra cảm giác có hơi bất mãn, có hơi trách móc, và có chút ghen tị với mọi người khi thực tế không được như mong đợi. Mình đã từng xấu tính như thế đấy.

Trong một lần lướt TikTok, mình có xem một đoạn video có nội dung như thế này:

“Bạn thật sự cho rằng mọi người sẽ quan tâm bạn sao? Khi mà bạn kể một câu chuyện với người khác, bạn nghĩ rằng liệu có bao nhiêu người đồng cảm? Bạn hãy cúi xuống nhìn lại, mỗi người đều có những nỗi khổ riêng của họ. Vậy nên bạn dựa vào cái gì mà mong người khác hiểu được nỗi khổ của bạn?

Tôi cho rằng bất cứ ai cũng có những lúc cảm thấy bất lực về bản thân. Thế nhưng, cách bạn nhìn nhận, đối diện với khó khăn thật sự rất quan trọng.”

Quả thực là như vậy. Có một thực tế đó là chúng ta không quá quan trọng đối với mọi người giống như chúng ta vẫn tưởng. Mỗi người sẽ có những mối bận tâm của riêng họ, chuyện của mình, hãy cố gắng tự giải quyết.

Có lẽ nỗi đau hiện tại của bạn, sau này nhìn lại lại là vấn đề chẳng quá nghiêm trọng. Chẳng hạn như hồi chúng ta mới tập đi, phải ngã thật nhiều lần rồi mới đi được. Nhưng cuối cùng chẳng phải chúng ta đều đã làm được hay sao?

Học cách xem mọi thứ là không quá nghiêm trọng là một cách rất hiệu quả để chúng ta có thể cân bằng được chính cảm xúc của mình. Không phải tự nhiên mà mọi người hay nói: “Mọi thứ rồi sẽ qua thôi.”

Thực ra tuổi nào mà chả chênh vênh, tuổi nào mà không phải lo nghĩ? Nếu bạn thấy nỗi lòng của mình nặng quá rồi thì “quẳng gánh lo đi mà vui sống” nhé!

Nguyễn Thị Phương Dung(ĐHKH Xã hội và Nhân văn)

Tác giả Nguyễn Đắc Hải

“Viết để bộc bạch, để khám phá và được là chính mình” - đó là cách tôi gửi tặng cho đời những câu chuyện tuyệt vời và nhân văn. Cảm ơn bạn vì đã biết đến tôi với vị trí Thư ký tòa soạn của Tạp chí điện tử Người Nổi Tiếng.

Nguyễn Ngọc Anh – ca sĩ đi lên từ bệ phóng ‘Sao Mai điểm hẹn’

Cố nhạc sĩ An Thuyên – Thiếu tướng ‘điều hướng’ mái trường của nghệ sĩ và chiến sĩ