in

Top 11 điều khiến tôi ‘ghét’ bản thân

, 24/02/2022 | 10:10

(Nguoinoitieng.vn) – Tự nhắc cho chính mình hãy tự nhìn lại bản thân, đừng mãi mơ mộng hão huyền, sống cho hiện tại và định hướng rõ ràng cho tương lai.

1. Tôi ghét cái tính thiếu quyết đoán của mình.

Lúc nào cũng chần chừ, không dám mạnh dạn đưa cho mình một sự lựa chọn mà chỉ toàn đợi người khác quyết định thay mình. Quyết định là của chính mình, dù cho có phải chịu trách nhiệm về sự lựa chọn đó thì ít nhất đấy cũng là sự lựa chọn của mình chứ không phải là của một ai khác. Hãy luôn tôn trọng quyết định của mình khi ấy vì lúc đó, trong tình cảnh đó, mình cũng đã suy nghĩ kĩ rồi mới đưa ra chứ không phải chọn bừa.

2. Tôi ghét sự tự ti về ngoại hình của mình

Cứ mỗi lần nhìn vào gương tôi lại thấy mặc cảm, luôn tự hỏi tại sao mình lại xấu xí như vậy, lúc nào cũng than trời thở đất nhưng tôi đâu biết rằng càng tự ti chỉ càng khiến tôi trở nên xấu xí hơn mà thôi.

Thế tại sao tôi lại không dùng khoảng thời gian mặc cảm đó để tự thay đổi mình, biến mình từ con vịt xấu xí trở thành một con thiên nga xinh đẹp mà lại dùng nó để ngày ngày than than thở thở. Điều đó chẳng khiến tôi xinh đẹp hơn đâu.

Tôi ghét sự tự ti về ngoại hình của mình.
Tôi ghét sự tự ti về ngoại hình của mình. 

3. Tôi ghét cái tính hay ngại ngùng của tôi.

Đôi khi tôi tự hỏi rốt cuộc tôi ngại cái gì, cái sự ngại ngùng đó làm tôi đánh mất thứ gì à mà tại sao cứ phải thẹn thùng như gái 18 thế? Tôi ngại vì sợ mọi người sẽ dị nghị, gièm pha nếu tôi thay đổi, khác biệt với mọi người.

Nhưng mà tôi ơi, người ta có thấy thì đã sao, có chăng người ta sẽ chỉ nghĩ “Ơ nay con bé này nó khác biệt này”, “Nay nó gan ghê làm này làm kia đồ ha” nhưng có đôi khi thậm chí người ta còn chẳng thèm quan tâm đến bạn nữa là. Khoảnh khắc ngại ngùng khi đó cũng sẽ chỉ diễn ra trong chốc lát, mọi chuyện sẽ ổn thôi. Thay đổi là tốt, còn hơn là giữ nguyên trạng như lúc ban đầu chả có gì mới mẻ cả.

4. Tôi ghét nhất cái tính không có chính kiến của riêng mình, cứ gió chiều nào thổi theo chiều đó.

Ngày tôi thi vòng teamwork của câu lạc bộ, rõ ràng tôi biết nhóm tôi đã làm lạc đề nhưng lại không dám nêu quan điểm của mình vì tôi không đủ tự tin, tôi nghĩ lời nói của mình không đủ trọng lượng, nếu đưa ra quan điểm sẽ trái ý mọi người. Vậy nên, tôi chọn cách giữ im lặng.

Đó là điều ngu ngốc nhất mà tôi từng làm và đó cũng là bài học đắt giá nhất khi tôi tham gia casting CLB. Sau hôm đó, tôi hiểu ra một điều, cứ tin vào bản thân, sai cũng được, không sao cả, quan trọng là bạn đủ dũng cảm để nêu ra ý kiến cá nhân của mình thay vì chỉ dựa vào đề xuất của người khác.

5. Tôi cực kì chán ghét cái nết hay trì hoãn đã vậy còn hay lười nhác.

Hai điểm yếu đó mà kết hợp lại thì quả thực là một combo hủy diệt luôn đấy. “Ngày còn dài mà, để lát làm cũng được”- đó chính xác là câu cửa miệng mà tôi hay tự trấn an mình rằng không việc gì phải vội, chuyện nay để mai làm cũng được.

Nhưng tôi đâu biết ngoài kia hàng ngàn người họ còn không dám lãng phí bất kì giây phút nào để hoàn thành tốt công việc của họ, để có một cuộc sống về sau được an sung mặc sướng, an yên tuổi già, và khi đã già họ có thể nhìn lại khoảng thời gian mà mình không ngừng nghỉ, nỗ lực làm việc, gặt hái nhiều thành tựu trong thời thanh xuân của họ chứ không phải một con người vô dụng, vô năng.

Ấy vậy mà tôi lại bỏ phí hàng giờ chỉ để ăn không ngồi rồi, trì hoãn công việc, vậy có phải rất đáng trách không chứ?! Thế nên, tôi ơi nếu mày muốn càng về sau càng an nhàn thì giờ mày hãy bắt tay vô làm ngay đi, đừng lười chảy thây nữa kẻo lỡ mày lại mất đi cơ hội được trở thành phú bà/ phú ông đấy.

6. Tôi ghét cái cách làm việc tùy hứng của tôi.

Suốt ngày liệt kê hàng tá các đầu công việc cần làm xong lại thích nào làm nấy, chẳng có cái lịch trình cụ thể nhất định nào cả. Mày làm như vậy thì hóa ra mày lại bỏ sót các đầu công việc quan trọng mà lại ưu tiên cho những công việc kém quan trọng hơn à? Tư duy kiểu gì vậy?

Nếu cứ làm như vậy thì mày sẽ mãi là một “người bận rộn” nhưng kết quả là chẳng có việc nào ra hồn cả, toàn dở dở ương ương. Mày vẫn nên tối giản hóa mọi thứ đi, làm việc thông minh mà đạt hiệu quả cao còn hơn là ôm đồm một đống việc, cực nhưng chẳng được gì cả.

7. Tôi ghét cái thói hay giả vờ nỗ lực hay còn gọi là nỗ lực ảo của mình. 

Đây cũng xem như một căn bệnh mà người người nhà nhà đều mắc phải, tôi cũng không ngoại lệ. Hễ cứ thấy tài liệu “độc nhất vô nhị” là tôi lưu liền, không bàn cãi vì tôi biết “sẽ có ngày tôi cần nó mà” không phải sao? Vậy cái ngày đó đâu, ngày tôi cần dùng nó đâu, tôi lưu xong lại bỏ xó nó ở đó, vậy tôi lưu làm gì?

Xin thưa, tôi cũng không biết mình làm vậy để làm chi nữa nhưng cứ thấy tài liệu là mắt tôi rực sáng, ngón trỏ thoắt cái đã nhấn chữ “Lưu” mất rồi. Thói quen này cũng không phải ngày một ngày hai là sửa được liền, nhưng tôi chỉ muốn nói rằng mày (bản thân tôi) trước khi nhấn lưu bất kì tài liệu gì thì hãy đặt cho mình câu hỏi “Mày có thực sự quyết tâm muốn dùng đến nó không?”. Nếu câu trả lời là không thì hãy bỏ qua nó đi vì lưu chỉ tổ phí công thôi.

8. Tôi ghét cách tiêu xài hoang phí.

Thời trang thì mỗi năm lại có những mẫu áo quần chất chơi người dơi lại xuất hiện mà cứ mỗi lần như vậy thì tôi lại mắc triệu chứng viêm màng túi một lần. Quần áo ở nhà thì chất thành núi nhưng đi chơi lại bảo rằng “Hết đồ rồi! Cái này chụp hình, đăng trên mạng xã hội rồi, không mặc nữa đâu” rồi máu tiêu tiền mua đồ mới lại nổi lên. Tôi mỗi lần tiêu xài cứ như là nữ đại gia vậy đó, vung tay qua trán vào mỗi đợt lễ, Black Friday, bla bla.

Tuy nhiên, tiền đó hầu hết là tiền của cha mẹ tôi, phần tôi-tôi chỉ góp vào một ít thôi (có khi lại chẳng bỏ ra đồng nào). Tôi đúng là quá mất dạy! Suốt ngày tiêu tiền ngang nhiên nhưng tôi đâu biết đằng sau những đồng tiền đó là mồ hôi, nước mắt mà khó khăn lắm ba mẹ mới kiếm được. Và rồi họ lại đưa số tiền đó cho tôi vì sợ tôi túng thiếu, không đủ ăn đủ mặc.

Mãi cho đến khi tôi bắt đầu đi làm những công việc bán thời gian, tôi lại hay tự trách “Sao tiền lại kiếm ra khó thế này? Khó kiếm nhưng sao mình lại phung phí những đồng tiền đó cho những việc vô bổ ấy chứ”. Có lẽ, tôi phải xem lại cách tiêu xài của mình, tiết kiệm từng chút một bởi vì ba mẹ đâu phải cái máy rút tiền mà để ta bào mòn tiền họ mãi được.

9. Tôi ghét cay ghét đắng cái thói không nỗ lực hết mình.

Hồi tôi còn học cấp 2, tôi là một đứa rất mê game và nghiện xem anime đến nỗi không lo học hành gì cả. Mỗi lần có bài kiểm tra hay kì thi thì tôi chỉ làm cho vừa đủ trên trung bình, chẳng có gì gọi là cố gắng cả, cứ vô âu vô lo thôi. Nhưng đến khi thi chuyển cấp lớp 10, tôi mới bắt đầu ngộ ra học lực đã kém mà còn không cố gắng thì chỉ có nước vào trường tư mà học. Thời đó, người ta rất sợ con em mình rớt nguyện vọng rồi phải vào trường tư vì mỗi năm phải đóng tiền học phí với mức giá không hề rẻ.

Những gia đình không khá giả thì lấy đâu ra tiền mà học. Vậy nên, nghe những lời đó tôi đã rất sợ, sợ rằng mình sẽ trở thành gánh nặng gia đình, sợ bạn bè coi thường, sợ rất nhiều thứ. Nhưng phải nói rằng tôi rất may mắn khi có một người mẹ rất tâm lý, mẹ nói:” Con hãy chọn trường đúng với năng lực của con, trường điểm thấp cũng được nhưng đi thi hãy nhớ phải thi hết sức mình, cố gắng hết sức vì kì thi này chỉ xảy ra một lần trong đời con, chơi tới bến luôn cho mẹ.

Nếu thi điểm thấp cũng đừng buồn vì ít nhất con cũng đã có cố gắng và năng lực của con chỉ tới đó thôi, còn hơn con chẳng có tí nỗ lực nào mà lại điểm thấp là hậu quả của việc không nỗ lực”.

10. Tôi ghét tật luôn đặt bản thân ở thế bị động.

Tôi là người hướng nội vậy nên tôi không dám chủ động trong mọi việc mà toàn đợi người khác lên tiếng nhờ vả, sai bảo. Hướng nội thì sao? Chẳng lẽ cứ hướng nội thì phải im thin thít, sống trong đợi chờ hoài coi sao được? Những gì liên quan đến bản thân cứ mạnh dạn, chủ động lên tiếng vì đó là quyền lợi của mình, chả có ai cấm người hướng nội phải luôn ở thế bị động cả.

Trong công việc cũng vậy, hãy luôn tự tin và chủ động trong mọi tình huống bởi vì mọi người, đặc biệt là các nhà tuyển dụng, họ cực kì thích những người có tính chủ động cao, chứ không phải dặn gì làm nấy, không bảo thì không làm.

11. Tôi rất ghét bản thân cứ mãi mơ hồ về mọi thứ xung quanh.

Ngày tôi điền nguyện vọng lớp 12, tôi cứ đắn đo suy nghĩ mãi vì tôi từ nhỏ đến lớn không dở cũng không giỏi thứ gì cả, cứ lưng chừng mây thôi. Đến khi tôi vào Đại học, tôi vẫn chưa xác định mai sau khi ra trường tôi sẽ làm công việc gì, có đi trái ngành không? Mỗi ngày hàng vạn câu hỏi lại được đặt ra, tôi thích gì, tôi giỏi gì, tôi có sở trường gì, bla bla? Nhưng câu trả lời mãi chỉ có một ….” Tôi không biết”.

Đôi khi tôi hay trách rằng tại sao mình không có một sở trường hay thích thú thứ gì hết vậy? Nhìn qua một lượt chúng bạn của tôi, đứa thì thích vẽ hiển nhiên nó sẽ đi theo ngành kiến trúc hay đồ họa rồi, đứa thì thích nghiên cứu các bộ phận cơ thể, thậm chí tôi còn thấy nó vẽ hình sơ đồ tim người cực kì chi tiết nữa và ước mơ của nó là nghiên cứu sinh học hoặc bác sĩ, không phải đoán cũng biết rồi. Còn tôi…chả thích gì cả.

Nhưng tôi chỉ muốn nói rằng, bây giờ không biết, không sao cả, chỉ là chưa tìm ra thôi. Một ngày nào đó tôi sẽ tìm được một cái nghề chân chính thuộc về mình. Việc bây giờ tôi cần làm là chăm tham gia đa dạng các hoạt động, các dự án với đủ loại vị trí rồi sẽ có thứ mà tôi thích xuất hiện thôi, chỉ là tìm lâu hơn người khác một xíu thôi mà.

Còn cậu? Cậu có ghét hay thất vọng bản thân vì điều gì không? Đã bao giờ cậu dừng lại để nghiêm túc đối diện với chính cảm xúc, bản thân của mình hay chưa? Cậu có thể chia sẻ cho mình cũng như mọi người có thể giúp cậu vực dậy tinh thần tốt hơn nhé.

Ngoc Linh Nguyen ( Trường Đại học Tài chính – Marketing)

Tác giả Nguyễn Đắc Hải

“Viết để bộc bạch, để khám phá và được là chính mình” - đó là cách tôi gửi tặng cho đời những câu chuyện tuyệt vời và nhân văn. Cảm ơn bạn vì đã biết đến tôi với vị trí Thư ký tòa soạn của Tạp chí điện tử Người Nổi Tiếng.

Lâu rồi không gặp!

Nhạc sĩ Thái Thịnh và những ‘tình khúc’ đi cùng năm tháng