in

Cố nhạc sĩ Thuận Yến – ‘chứng nhân lịch sử’ của âm nhạc Cách mạng Việt Nam

, 21/08/2021 | 08:08

(Nguoinoitieng.vn) – Nhạc sĩ Thuận Yến là cha ruột của nữ Diva hàng đầu Thanh Lam. Ông chính là ‘cây đại thụ’ trong làng âm nhạc Việt Nam. Cố nghệ sĩ hoạt động sôi nổi trong thời kỳ Cách mạng với nhiều bản nhạc thành công và vang danh cho đến tận ngày nay. Cuộc đời của người nhạc sĩ tài hoa là những năm tháng cống hiến hết mình trong nghệ thuật. 

Thuận Yến chỉ là nghệ danh của nam nhạc sĩ có tên thật là Đoàn Hữu Công. Ông lựa chọn nghệ danh này bởi nó là một phần quê cha và quê mẹ của nam nhạc sĩ. Đó là Duy Thuận và Duy Yên.

Thuận Yến sinh ngày 15 tháng 08 năm 1932 tại Quảng Nam. Nhạc sĩ là một tên tuổi lớn của làng âm nhạc Việt Nam với những bài ca hào hùng bi tráng về thời kỳ kháng chiến oanh liệt của dân tộc. 

Tuổi thơ là những ngày rong ruổi phiêu lãng cùng bao nốt nhạc

Sinh ra tại vùng đất Quảng Nam cằn cỗi, thô ráp, nhưng nhạc sĩ Thuận Yến lại có niềm đam mê đặc biệt với những nốt nhạc. Tâm hồn thi si dường như đã tồn tại trong con người ông như một bản năng.

Có thân phụ là người biết chơi đàn bầu, lại là một nhà giáo dạy chữ Nho, Thuận Yến được làm quen với thơ ca, chữ nghĩa và những câu hát dân gian.

Những năm tháng chiến khu trở thành kỷ niệm đẹp trong đời

Năm 1949, tức khi Thuận Yến vừa tròn 17 tuổi, giặc giã khiến gia đình rơi vào cảnh ly tán. Ông vào Bình Định gia nhập Khu ủy Liên khu V. Khi ấy, chàng trai trẻ Hữu Công một lòng tham gia Cách Mạng với ý chí chống giặc cứu nước. 

Thuận Yến được giao nhiệm vụ liên lạc. Hằng ngày, ông chuyển thư báo và thực hiện trông coi sách báo. ‘Duyên kỳ ngộ’ giúp Thuận Yến có được hai cuốn Ký âm pháp và Hòa âm của nhạc sĩ Ngọc Trai. Từ đây, ông bắt đầu tự mình mày mò các kỹ thuật âm luật, nhạc khí.

Thời gian này, Thuận Yến cũng được gặp gỡ Phan Thao, Nguyễn Thành Long, Phan Huỳnh Điểu, Tế Hanh hay Bích Sơn. Đây đều là những tên tuổi lớn của nền âm nhạc đương đại. Họ trao đổi và chia sẻ niềm đam mê với âm nhạc. 

Tình bạn được hình thành từ chiến khu trở thành ký ức đẹp của lứa thanh niên xung phong ngày ấy. Đó là những người anh em, người nghệ sĩ cùng đóng kịch, cùng hát và cùng chiến đấu vì màu cờ sắc áo. 

‘Cây đại thụ’ của âm nhạc Cách mạng Việt Nam

Sinh ra trong thời loạn, lại tham gia kháng chiến, các sáng tác của nhạc sĩ Thuận Yến đều lấy cảm hứng từ giai đoạn hào hùng của đất nước. Mỗi một cảm xúc, lời ca đều là trải nghiệm thực của bản thân ông.

Các ca khúc nổi tiếng như Mỗi bước ta đi, Bài ca tiếp vận, Mỗi dòng thư Bác sáng ngời niềm tin đều mang khí thế mãnh liệt, cái ý chí rực lửa như thể thiếu cháy mọi quân thù. 

Sau khi hòa bình lặp lại, Thuận Yến theo học âm nhạc bài bản tại Nhạc Viện Hà Nội. Tại đây, ông vẫn nghiêng về những bài ca ca ngợi chiến công hiển hách của bộ đội anh hùng. Hơn thế nữa, là những khúc hát vang mừng ngày đại thắng. 

Có thể nói, cả sự nghiệp âm nhạc của nhạc sĩ tài hoa đều gắn kết với từng giai đoạn hùng tráng của lịch sử dân tộc và con người.

Bác Hồ, một tình yêu bao la, Lê-nin, Người đến đất nước tôi đều là những sáng tác làm rạng danh tên tuổi của nhạc sĩ người Quảng Nam. Những ca khúc sống mãi cùng năm tháng này được bao thế hệ con cháu mai sau hát vang trong niềm tự hào về những cha anh ngày trước.

Thành tựu trọn đời của người lính cụ Hồ

Sự nghiệp âm nhạc đồ sộ, Thuận Yến được Nhà nước ghi công bằng nhiều giải thưởng danh giá. 

Trong đó bao gồm Giải nhất ca khúc của Bộ Văn hóa năm 1987 dành cho Vầng trăng Ba Đình; Giải ca khúc xuất sắc của Bộ quốc phòng năm 1994 cho bài hát Màu hoa đỏ; Giải bài hát được nhiều người ưa thích năm 1992 – 1993 của Đài Tiếng nói Việt Nam cho ca khúc Chia tay hoàng hôn. 

Quan trọng hơn hết, năm 2001, Thuận Yến vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước cho những cống hiến của mình trong suốt giai đoạn đất nước chìm trong khói lửa.

Nghệ sĩ, nhạc sĩ Thuận Yến nhận được sự kính trọng của bao đồng nghiệp, đàn em về lối sống cao đẹp của mình cũng như tài hoa trên từng phím đàn, khúc hát.

NSƯT Quang Lý từng nói: “Những ca khúc của nhạc sĩ Thuận Yến luôn là những bản hùng ca hay trữ tình thấm đượm tình yêu quê hương, đất nước, con người. Đó là cả một quá trình chắt lọc từ những gì mà nhạc sĩ đã trải qua trong cuộc đời và những năm tháng kháng chiến của dân tộc để có thể viết những tác phẩm hay như vậy”.

Mối tình đẹp của ‘cặp đôi vàng’ ‘khắc cốt ghi tâm’

Vợ cố nghệ sĩ Thuận Yến là nghệ sĩ đàn tranh Thanh Hương. Họ quen nhau tại Nhạc Viện Hà Nội năm 1960. Thanh Hương chính là nguồn cảm hứng sáng tác của nhạc sĩ Thuận Yến trong bài ca Chia tay Hoàng hôn. Bài ca trữ tình lãng mạn này là tác phẩm được cố nghệ sĩ tâm đắc nhất. 

Cứ thế, cặp đôi đến với nhau, họ yêu nhau bằng tình cảm nồng cháy nhất. Mối tình đẹp như tranh của họ chính là biểu tượng cho tình yêu nghệ sĩ ‘khắc cốt ghi tâm’ mà chúng ta hằng tìm kiếm.

Cuối năm 2000, Thuận Yến bắt đầu mắc chứng bệnh người già là Alzheimer. Căn bệnh làm nghệ sĩ tài hoa mất dần trí nhớ. Hơn thế nữa, chứng hen suyễn cũng khiến ông gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp và cuộc sống hằng ngày.

Năm 2014, tức hơn 14 năm chống chọi với bệnh tật, nam nhạc sĩ tài hoa bậc nhất âm nhạc Việt Nam trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng. Sự ra đi của ông để lại niềm tiếc thương vô hạn dành cho bao đồng nghiệp, con cháu và những người hâm mộ.

Chúng ta tại đây nghiêng mình thán phục vì những gì ông đã để lại cho thế hệ mai sau. 

Xem thêm: Tiểu sử nhạc sĩ Thuận Yến

  • Họ và tên: Đoàn Hữu Công
  • Sinh nhật: 15.08.1932
  • Ngày mất: 2014
  • Dân tộc: Kinh
  • Nguyên quán: Quảng Nam
  • Nghề nghiệp: Nhạc sĩ
  • Thành tựu trọn đời: Giải thưởng Nhà nước năm 2001

Tác giả Nguyễn Hồ Thiên Kim

“Viết để cảm, viết để thấu hiểu và viết để làm đẹp cho đời, mỗi chúng ta đều là những nhân tố giúp cho cuộc sống này thêm thi vị và hạnh phúc hơn. Cám ơn bạn đã ghé thăm và xem bài viết của tôi trên Tạp chí điện tử Người Nổi Tiếng.”

Nguyễn Luận – YouTuber đi ‘trao yêu thương’, để ‘nhận lại nụ cười’ của những người bất hạnh?

Nhạc viện Quốc gia Bulgaria – cái nôi ‘âm nhạc’ xã hội chủ nghĩa giữa thành phố hoa hồng