(Nguoinoitieng.vn) – Được biết đến là bậc thầy của những bài hát dân gian đương đại, NS An Thuyên đã để lại một “gia tài” đồ sộ các ca khúc đẹp, mang âm hưởng dân gian cho đến ngày nay.
Nghệ sĩ An Thuyên tên thật là Nguyễn An Thuyên, sinh ngày 15 tháng 8 năm 1949, tại Quỳnh Lưu, Nghệ An. Ông từng là Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa VII (2005-2010), đồng thời ông cũng là nhạc sĩ đầu tiên được phong hàm Thiếu tướng quân đội Nhân dân Việt Nam.
Ông đột ngột qua đời ngày 3 tháng 7 năm 2015 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vì chứng nhồi máu cơ tim cấp.
Sự Nghiệp
Năm 1967, An Thuyên công tác ở Ty Văn Hóa Nghệ An và tham gia trực tiếp vào công việc sưu tầm nghiên cứu dân ca. Tại đây, ông cùng với đoàn nhạc sỹ ở Viện nghiên cứu âm nhạc gồm nhạc sỹ Hồ Thoa, nhạc sỹ Đào Việt Hưng đã sưu tầm dân ca Nghệ Tĩnh.
Năm 1977, ông chuyển công tác đến Đoàn Văn công Quân khu IV sau 2 năm nhập ngũ.
Từ năm 1981 đến năm 1988, ông được cử đi học ở Nhạc Viện Hà Nội (nay là Học viện âm nhạc Việt Nam), môn Sáng tác âm nhạc bậc đại học.
Sau khi tốt nghiệp, ông làm tại Phòng Văn nghệ Quân đội, đến tháng 08/1992,ông về công tác tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.
Điểm nhấn nổi bật trong sự nghiệp
Khi về công tác tại trường Văn hóa Nghệ thuật Quân, một ngôi trường chỉ có vỏn vẹn 7 giáo viên, 11 học viên và đang đứng trước nguy cơ bị giải thể với nguyên nhân là đào tạo ra những “cái” mà xã hội không cần và không giúp ích được gì cho xã hội lúc bấy giờ. |
Nhạc sĩ An Thuyên đã cùng với Lãnh đạo Bộ Quốc phòng thực hiện một chiến lược lớn là “dạy cái xã hội và quân đội cần” và định hướng thành một mái trường “Chiến sĩ – Nghệ sĩ”. Từ một trường Trung cấp không có tên tuổi, năm 1995, trường được lên cao đẳng và đến năm 2006 thì lên đại học.
Những bước tiến và thay đổi lớn của trường Đại học văn hóa nghệ thuật Quân đội có đóng góp rất lớn của nhạc sĩ An Thuyên.
Ngay từ khi về trường, nhạc sĩ An Thuyên luôn quan niệm “đào tạo phải gắn liền với thực tế”, nghĩa là những gì xã hội cần, đời sống âm nhạc cần thì trường của ông phải có.
Không chỉ đem môn nhạc nhẹ vào học tập và giảng dạy tại Trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội mà ông còn luôn làm mới, thay đổi cách đào tạo cho học sinh bằng tư duy vô cùng tiến bộ.
Ông tìm những người có tố chất đưa về trường, từ những giải thưởng lớn và uy tín như Sao Mai đến các cuộc thi có quy mô nhỏ hơn như các liên hoan, hội thi, hội diễn cấp tỉnh để đào tạo họ chủ yếu bằng cách kết hợp học với hành, phải kể đến những cái tên như Minh Chuyên, Nguyễn Đình Thanh Tâm, Hương Tràm, Ya Suy.
Có thể nói ông là một vị Hiệu trưởng hiếm có, đặc biệt đối với một môi trường đòi hỏi nguyên tắc và kỷ luật như trường Văn học Nghệ thuật Quân đội, ông đã sẵn sàng bỏ qua những quy định được coi là “luật bất thành văn” để tuyển thẳng thí sinh tài năng ở các cuộc thi vào trường học. |
Chính vì thế mà ngôi trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội đã trở thành cái nôi tôi luyện tài năng của nhiều thế hệ học sinh, để rồi họ trở thành những nghệ sĩ lớn được công chúng yêu mến như: Hồ Quỳnh Hương, Hồ Ngọc Hà, Lưu Hương Giang, Thái Thùy Linh, Ngọc Khuê, Nguyễn Ngọc Anh, Kasim Hoàng Vũ,…
Đối với giảng viên cũng vậy, dù chưa đủ bằng cấp theo quy định nhưng nếu có thực tài, ông sẽ mời về giảng dạy rồi sau đó học bổ sung bằng cấp. Cách nhìn người, dùng người của thiếu tướng- nhạc sĩ An Thuyên quả thật đáng khâm phục.
Bằng cấp hay vật chất không phải là tất cả hay cách thức duy nhất để quyết định giá trị của con người mà học trò của ông phải là những người thật và có tài thật chứ không phải trên danh nghĩa hay qua giấy tờ. |
Tác phẩm
Nhạc sĩ An Thuyên luôn mang sự đẹp đẽ, nên thơ của tình yêu gia đình, tình yêu quê hương đất nước, tình yêu nam nữ vào trong các tác phẩm của mình: Huế thương, Chiều sông Thương, Chín bậc tình yêu, Hà Nội tình yêu tôi, Tình làng quê, Khi xe tăng qua miền quan họ, Ở rừng nhớ anh, Thơ tình của núi, Ca dao em và tôi, Neo đậu bến quê,…
An Thuyên còn sáng tác một số kịch hát đã được dàn dựng ở nhiều Đoàn Văn công như Trương Chi, Biển tình cay đắng, Đôi đũa kim giao. Đất nước đứng. Ngoài ra, ông còn viết nhạc phim và phần âm nhạc cho khoảng 60 vở kịch nói, tuồng, chèo.
Nhạc sĩ tiên phong cho dòng âm nhạc dân gian đương đại
Rất nhiều những tác phẩm của An Thuyên đều quen thuộc, gần gũi với công chúng bởi xuất hiện trong đó là hình ảnh bãi ngô, con đò, khúc sông, là những buổi chiều nắng vàng trên những triền đê, đám trẻ con trong làng chăn trâu thổi sáo, những tiếng sáo diều vi vu sau lũy tre làng – một khung cảnh bình yên và đậm chất làng quê Việt Nam.
“Em chọn lối này”, “Ðêm nghe hát đò đưa nhớ Bác” rồi “Khi xe tăng qua miền quan họ,” “Huế thương” và “Neo đậu bến quê”… đều mang âm hưởng dân ca ngọt ngào, sâu lắng.
Giải thưởng
- Năm 1985, đoạt giải Nhất cuộc thi ca khúc toàn quốc với ca khúc Tiếng đàn balalaica trên sông Đà (phỏng thơ Quang Huy).
- Giải thưởng chính thức của Bộ Quốc phòng với ca khúc Hành quân lên Tây Bắc (1984) và Thơ tình của núi (1994).
- Giải Nhất của Bộ Văn hoá – Thông tin và Hội Nhạc sĩ Việt Nam với ca khúc Khi xe tăng qua miền Quan họ (1985) và Mẹ Việt Nam anh hùng (1995).
- Năm 1992, ông đoạt giải Nhì Hội Nhạc sĩ Việt Nam với ca khúc Chín bậc tình yêu.
- Năm 2007, đoạt Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.
Khen thưởng
- Chiến sĩ thi đua
- Chiến sĩ quyết thắng (12 năm liền)
- Huân chương chiến công hạng I
- Huân chương lao động hạng III
Quan niệm sáng tác
Điều quan trọng nhất của người sáng tác là kế thừa cái hay của nền âm nhạc truyền thống cùng với việc tìm tòi những nét đẹp hiện đại.
Dù lớp trẻ ngày nay được học hành và được tiếp xúc, giao lưu với những nền âm nhạc khác nhau nhưng điều cốt lõi vẫn là trau dồi văn hóa Việt Nam một cách sâu sắc, bởi nếu chỉ có văn hóa nhân loại mà không có văn hóa Việt Nam tồn tại trong tâm hồn người nhạc sĩ thì sẽ khó có một tác phẩm thành công.
Đặc biệt người nhạc sĩ phải có vốn sống, phải lăn lộn thực tế, phải gắn bó với đời sống xã hội thì mới có những tác phẩm thành công và được đông đảo công chúng chấp nhận.
Cuộc sống gia đình
Nhạc sĩ An Thuyên là con thứ sáu trong gia đình có 7 người con và đều làm văn nghệ. “Đoàn văn công” của gia đình ông thường biểu diễn ở các làng, các xã các vở như “Thạch Sanh”, “Tống Trân-Cúc Hoa”, “Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài”…, trong đó An Thuyên được phân công làm “nhạc trưởng”. Được nuôi dưỡng trong gia đình truyền thống làm nghệ thuật, đồng thời sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo xứ Nghệ đã tạo nên một An Thuyên hiểu đời, hiểu người, dày dặn vốn sống như quan niệm về sáng tác của ông.
Về đời sống tình cảm, ông có cơ duyên nên vợ nên chồng với đạo diễn, nghệ sĩ Ngô Huyền Lâm cũng là một người hoạt động trong nghệ thuật và có 2 người con: con trai là nhạc sĩ, thiếu tá An Hiếu, con gái là đạo diễn các chương trình sân khấu nhạc kịch, đại úy Bông Mai.
Chiều 12/4/2018, gia đình ông gồm: bà Huyền Lâm, đạo diễn Bông Mai, nhạc sĩ An Hiếu họp báo tại Hà Nội để tuyên bố từ ngày 17/1/2018, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã không còn là đại diện pháp lý, khai thác quyền tác giả, quyền liên quan đến các tác phẩm của cố nhạc sĩ. Thay vào đó, gia đình sẽ thực hiện điều này.
Hoạt động tri ân
Một đêm nhạc có quy mô lớn với chủ đề “Đi tìm bóng núi” đã được tổ chức vào đêm 5-1-2019 tại Cung Văn hóa hữu nghị Việt – Xô, Hà Nội để tri ân và tưởng nhớ đến ông.
Ngoài những tác phẩm rất nổi tiếng, gắn liền với tên tuổi của ông như “Ca dao em và tôi”, “Về miền Trung” được trình bày bởi ca sĩ Trọng Tấn, “Phật bà nghìn mắt nghìn tay”, “Ở rừng nhớ anh”, “Em chọn lối này” được thể hiện bởi người học trò ông rất yêu quý là ca sĩ Hồ Quỳnh Hương thì rất nhiều ca khúc do Nhạc sĩ An Thuyên sáng tác mà chưa được công bố đã được biểu diễn trong chương trình.
Mặc dù đã bước vào cõi vĩnh hằng nhưng những gì nhạc sỹ An Thuyên để lại ở trần thế từ “Nửa vầng trăng,” “Đò đưa nhớ Bác” hay “Huế thương” sẽ luôn tồn tại trong tiềm thức của những người yêu dòng nhạc dân ca đương đại nói riêng và cộng đồng người yêu nhạc Việt nói chung.