in

Trầm cảm là gì? Nguyên nhân, biểu hiện, triệu chứng và cách điều trị?

, 09/04/2023 | 22:03

(Nguoinoitieng.vn) – Bệnh trầm cảm (rối loạn tâm trạng) là một bệnh lý mà trong đó sự mất cân bằng chất truyền dẫn thần kinh trong não dẫn đến việc không thể điều chỉnh tốt cảm xúc và tâm trạng, từ đó gây ra các triệu chứng bất ổn về tâm lý và thể chất.

Mất hy vọng vào tương lai và trở nên bi quan trong suy nghĩ .

Tâm trạng trầm cảm hoặc triệu chứng trầm cảm kéo dài, như “không thể ngủ”, “không thể ăn” v.v., gây ra tình trạng mệt mỏi kéo dài và dần dần gây khó khăn đáng kể cho cuộc sống hàng ngày.

Nếu bệnh trở nên nặng, người bệnh đôi khi sẽ tìm tới cái chết. Đặc biệt là trong các chuyên khoa tâm lý, thần kinh thì đối với những “bệnh dẫn tới tự sát” các bác sĩ luôn mong muốn có thể hỗ trợ người bệnh phát hiện sớm và điều trị sớm. Điều này vô cùng quan trong bởi nếu được thăm khám và điều trị đúng cách bệnh có thể được chữa khỏi hoàn toàn.

Thêm nữa trong các bệnh tâm lý được nhắc đến dưới đây cũng bao gồm “rối loạn lưỡng cực” (bipolar disorder, hay còn gọi là bệnh rối loạn thần kinh lưỡng cực). Đối với rối loạn thần kinh lưỡng cực thì phương pháp hỗ trợ điều trị cũng khác với bệnh trầm cảm, vì vậy cần lưu ý.

Trong trường hợp bạn cảm thấy mình có những dấu hiệu của chứng “trầm cảm” hay “rối loạn lưỡng cực” chúng tôi khuyên bạn hãy đến thăm khám tại các cơ quan có chuyên môn để nhận được sự hỗ trợ kịp thời.

Người mắc bệnh trầm cảm thường cảm thấy buồn và đau khổ trong thời gian dài .

Triệu chứng trầm cảm.

Triệu chứng của trầm cảm phản ánh trên cả tâm lý và thể chất. Nếu có các triệu chứng như sau kéo dài từ 1-2 tuần, hãy nghĩ đến khả năng mắc bệnh trầm cảm (rối loạn cảm xúc).

  • Đánh mất sự quan tâm và niềm vui trong những điều mình yêu thích 
  • Không còn đọc báo hoặc xem TV(dù trước đó thường xuyên thực hiện)
  • Không muốn giao tiếp với người khác 
  • Làm việc chậm chạp hơn bình thường 
  • Không quan tâm đến cách ăn mặc của mình 
  • Cảm thấy buồn và đau khổ trong thời gian dài 
  • Phiền muộn suy nghĩ nhiều về quá khứ 
  • Không cảm nhận được các mùa trong năm
  • Mất hy vọng vào tương lai và trở nên bi quan trong suy nghĩ 
  • Cảm thấy mọi trách nhiệm đều thuộc về mình
  • Khả năng tập trung giảm và hiệu suất làm việc giảm xuống 
  • Quyết định chậm chạp hơn và không thể tự quyết định được

Các triệu chứng biểu hiện trên cơ thể

  • Không cảm thấy thèm ăn, không cảm nhận được vị ngon của đồ ăn.
  • Sự quan tâm tới tình dục và ham muốn tình dục giảm mạnh.
  • Cân nặng giảm dù không có ý định ăn kiêng.
  • Cảm giác khó tiêu, buồn nôn, tiêu chảy, táo bón liên tục.
  • Khó ngủ, ngủ không sâu giấc hoặc dậy sớm.
  • Buổi sáng thức dậy không cảm thấy minh mẫn sảng khoái, nhưng vào buổi tối cảm thấy khá hơn.
  • Có thể có triệu chứng sốt nhẹ hoặc thân nhiệt thấp.
  • Cơ thể mệt mỏi, uể oải và cảm thấy rất khó chịu.
  • Đôi khi có triệu chứng chóng mặt hoặc ù tai.
  • Dễ bị ám ảnh bởi âm thanh từ xung quanh.
Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm là do ảnh hưởng lớn bởi stress và trải nghiệm mất mát.

Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm.

Có hai loại chính: Trước hết là chứng trầm cảm phản ứng, được gây ra bởi sự phức tạp của môi trường xung quanh, cuộc sống hàng ngày, cách suy nghĩ. Nhưng có thể nói rằng tất cả đều bị ảnh hưởng lớn bởi stress và trải nghiệm mất mát.

Ví dụ như chia ly, ly hôn, bị bệnh, thay đổi công việc hoặc phải bắt đầu cuộc sống ở một nơi ở mới. Những trải nghiệm đau buồn này thường là những nguyên nhân dẫn đến trầm cảm.

Thêm một loại bệnh trầm cảm gọi là trầm cảm nội sinh, không có nguyên nhân hoặc tác nhân xúc tác cụ thể nào. Nó xảy ra do sự thay đổi đột ngột các chất trong não.

Có những người dễ mắc bệnh trầm cảm hơn những người khác không?

Sự phát triển của chứng trầm cảm (rối loạn tâm trạng) có liên quan đến tính cách ban đầu. Người có đặc điểm tính cách như dưới đây cần chú ý:

  • Khó thích nghi với sự thay đổi 
  • Có tính phụ thuộc mạnh mẽ
  • Khó từ chối khi được nhờ vả, tức là có cảm giác trách nhiệm mạnh mẽ hoặc hay do dự không quyết đoán 
  • Quan tâm quá mức đến đánh giá của những người xung quanh 
  • Chuyên tâm với công việc, cẩn thận, cực kỳ chu đáo. Nhưng thường mệt mỏi vì sự xung đột giữa chất lượng và số lượng công việc 
  • Bướng bỉnh, nghiêm túc 
  • Có cảm giác chính nghĩa và tinh thần trách nhiệm cao.

Những đặc điểm này thường được xem là những phẩm chất được mong muốn từ xã hội. Tuy nhiên, nhiều trường hợp đã gánh vác vượt qua khả năng chịu đựng của bản thân và đó dẫn tới trầm cảm.

Tích cực điều trị để sớm trở lại khỏe mạnh.

Điều trị trầm cảm

Điều trị bao gồm “nghỉ ngơi” và “dùng thuốc”.

Về cơ bản, chúng tôi thường nghe chuyện từ người bệnh, gia đình hoặc những người thân quen gần gũi với người bệnh, sau đó bắt đầu điều trị bằng thuốc phù hợp với triệu chứng của người bệnh. Tuy nhiên, chứng trầm cảm (rối loạn tâm trạng) thường tiến triển từng chút trong quá trình tốt lên rồi xấu đi được lặp đi lặp lại. Vì vậy điều trị trầm cảm không thể vội vàng, mà rất cần kiên nhẫn.

Trong các phương pháp điều trị trầm cảm có thể nói rằng sử dụng thuốc là cách nhanh nhất để giảm triệu chứng và biến chứng nặng của bệnh. Nhưng quan trọng hơn cả chính là người bệnh cần phải để cơ thể được nghỉ ngơi đầy đủ. Người bệnh nên xin nghỉ việc một thời gian, hoặc phải giảm số lượng công việc lại, ở một số trường hợp có thể phải nhập viện điều trị.

Thêm nữa là trong trường hợp người bệnh chuẩn bị phải đưa ra một quyết định lớn thì việc rất quan trọng là để cho cả cơ thể và tâm trí được nghỉ ngơi đầy đủ. Người bênh cũng không nên im lặng một mình suy nghĩ, mà nên tìm trò chuyện tâm sự với những người xung quanh. Hoặc đến các cơ quan có chuyên môn để được thăm khám, cũng như được tư vấn từ các bác sĩ tâm lý. Việc được lắng nghe và thấu hiểu có tác động rất lớn vào việc phục hồi của người bệnh. 

Xin gửi đến gia đình và mọi người xung quanh bệnh nhân trầm cảm.

Sự hiểu biết rằng trầm cảm (rối loạn tâm trạng) là một căn bệnh đã được chấp nhận rộng rãi trong xã hội.

Tuy nhiên, bản thân người bênh thường tự trách mình như “lười biếng” hay “nếu suy nghĩ tích cực hơn thì sẽ khỏi bệnh”, trong khi thực tế là họ không thể tìm ra giải pháp để khiến cho bản thân thoát ra khỏi sự trì trệ.

Vì vậy, nếu gia đình và những người thân xung quanh không cẩn thận khi khuyến khích, có thể sẽ khiến người bệnh cảm thấy áp lực thêm. Việc quan tâm và bên cạnh người bệnh một cách tự nhiên, cũng như có thái độ thấu hiểu, là điều rất quan trọng.

Thêm nữa những người mắc chứng trầm cảm (rối loạn tâm trạng) cũng thường không đến các cơ quan chuyên môn để khám chữa bệnh, từ đó không nhận được hỗ trợ điều trị  kịp thời, dẫn đến tình trạng bệnh tình trầm trọng hơn.

Do vậy gia đình người bệnh hay những người thân xung quanh khi quan sát thấy dấu hiệu có khả năng là trầm cảm thì hãy đưa người thân tới các cơ quan có chuyên môn để thăm khám. Ví dụ như với dấu hiệu mất ngủ. Chúng ta có thể khuyến khích người bệnh đi khám để điều trị tình trạng mất ngủ. Từ đó các bác sĩ có chuyên môn sẽ có thể phát hiện và điều trị sớm.

Nhận thức, hỗ trợ điều trị

Hiệu quả nhất để hỗ trợ người bệnh điều trị tôn trọng không gian riêng của người bệnh, tiếp cận với một thái độ ấm áp. Và những lời khuyên dưới đây là những điều cần làm:

  • Hãy lắng nghe và hiểu cảm xúc của người bệnh một cách chân thành.
  • Tạo ra môi trường an toàn và tin cậy để bệnh nhân có thể nghỉ ngơi.
  • Không để người bệnh ở một mình trong thời gian dài.
  • Giúp người bệnh hoãn lại những quyết định quan trọng.
  • Hỗ trợ người bệnh quản lý việc sử dụng thuốc trong trường hợp cần thiết.
  • Không để bị cuốn vào những lo âu, bất an của người bệnh.
  • Đồng thời, chú trọng đến cuộc sống cá nhân của mình

Những kinh nghiệm cần biết trong quá trình hỗ trợ người bệnh hồi phục sau cơn trầm cảm.

  • Đóng vai trò như một chiếc phanh khi thấy người bệnh bối rối, vội vàng trong các quyết định.
  • Hỗ trợ người bệnh duy trì một lối sinh hoàn lành mạnh, ăn ngủ nghỉ đúng giờ.
  • Thảo luận về tình trạng lúc phát bệnh hay những nguyên nhân khác nhau dẫn đến trầm cảm với người bệnh.
Không quản lý được cảm xúc, đối với những việc rất nhỏ cũng có thể nổi giận hoặc vui vẻ, hưng phấn một cách thái quá.

Rối loạn lưỡng cực

Bây giờ chúng ta sẽ nói đến triệu chứng của bệnh rối loạn lưỡng cực (bipolar disorder). Sau đây chúng ta sẽ cùng xem những dấu hiệu nhận biết bệnh “rối loạn lưỡng cực”.

  • Thường xuyên có những hành động hoặc nói chuyện hưng phấn một cách mất kiểm soát hơn so với thông thường.
  • Thay đổi chủ để câu chuyện liên tục, không có trật tự rõ ràng.
  • Không ngủ, không nghỉ nhưng cũng không có dấu hiệu mệt mỏi
  • Không thể quản lý được ham muốn của bản thân, dẫn đến việc tiêu sài quá mức và quan hệ tình dục một cách bừa bãi.
  • Không nhận ra là đang gây phiền hà cho những người xung quanh.
  • Không quản lý được cảm xúc, đối với những việc rất nhỏ cũng có thể nổi giận hoặc vui vẻ, hưng phấn một cách thái quá.
  • Quần áo, trang điểm trở nên lòe loẹt hơn so với thông thường.
  • Không suy nghĩ kỹ càng, để cảm xúc lúc đó quyết định những việc quan trọng.
  • Không nhận ra bản thân đang gặp khó khăn.

Đây là những triệu chứng rất gây phiền toái đối với gia đình và những người xung quanh. Nhưng người bệnh lại hoàn toàn không nhận ra và không để ý đến. Điều đó đặc biệt khó chịu vì trong giai đoạn rối loạn họ sẽ tiêu tốn năng lượng và rồi rơi vào tình trạng trầm cảm. Hơn nữa, họ cũng có xu hướng lặp lại những điều tương tự mà không học được gì từ những kinh nghiệm thất bại trước đó. Đây cũng là chứng bệnh cần được phát hiện và điều trị sớm.

Điều trị rối loạn lưỡng cực

Bệnh rối loạn lưỡng cực được chia làm hai loại tùy tình trạng bệnh: loại I cần nhập viện điều trị, và loại II ít nghiêm trọng hơn. Nhưng tính chất hai nhóm này là giống nhau, đều cần sử dụng thuốc thể làm cân bằng lại cảm xúc.

Trạng thái rối loạn cảm xúc này sẽ nhanh chóng chuyển thành trầm cảm. Nhưng như đã đề cập ở trên thì việc tôn trọng khoảng không gian riêng của người bệnh có thể dẫn đến những hiệu quả ngược cho quá trình điều trị. Việc quản lý thuốc và duy trì điều trị là quan trọng hơn bất cứ điều gì.

Trong nghiên cứu lâm sàng thì loại II của rối loạn lưỡng cực đang có những dấu hiệu tăng lên. Vì phương pháp hỗ trợ điều trị có nhiều điểm khác với trầm cảm, nên hãy nhận sự tư vấn từ những người có kiến thức chuyên môn.

Lo lắng, căng thẳng không thể nói được với ai.

Những thắc mắc thường gặp

Thời gian điều trị mất khoảng bao lâu.

Tùy vào tình trạng bệnh của mỗi người. Nhưng thông thường thời thời gian cần thiết để điều trị là từ 3 đến 6 tháng.

Bệnh trầm cảm có thể chữa khỏi không?

Có thể chữa trị được bệnh trầm cảm bằng việc thiết lập một môi trường và lối sống không có những căng thẳng quá mức và được sử dụng thuốc phù hợp. Nếu bạn thường xuyên gặp phải những áp lực và không thể chia sẻ vấn đề của mình với người xung quanh thì hãy thử một lần tìm đến sự hỗ trợ tư vấn từ bác sĩ tâm lý.

Việc sử dụng thuốc chống trầm cảm có thể làm thay đổi tính cách không?

Bệnh trầm cảm xảy ra do sự mất cân bằng của chất truyền dẫm thần kinh trong não. Thuốc chống trầm cảm được sử dụng để điều chỉnh sự mất cân bằng này. Thuốc không có tác dụng thay đổi tính cách hoặc cảm xúc của bạn, vì vậy bạn có thể yên tâm.

Có thể sử dụng đồng thời với các loại thuốc khác không?

Việc kết hợp sử dụng thuốc có thể dẫn đến việc mất tác dụng của thuốc. Hoặc gây ra những tác dụng phụ không lường trước được tới sức khỏe. Vì vậy trước khi sử dụng thuốc (bao gồm cả thuốc tự mua và thuốc kê đơn) thì hay tham khảo ý kiến của bác sĩ trước.

Việc điều trị có tốn kém không?

Có nhiều các chế độ điều trị khác nhau để giảm bớt gánh nặng chi phí điều trị. Trước hết bạn hãy tìm một bác sĩ uy tín, và nhận sự tư vấn từ bác sĩ đó.

Lời kết từ người dịch: bản thân tôi là một người đã và đang điều trị trầm cảm. Do vậy hơn bất cứ điều gì tôi mong những điều tốt đẹp đến với bạn và người thân của bạn. Chúc bạn hoặc người thân của bạn sớm bình phục.

Tác giả Trần Cơ Long

Biên dịch là niềm vui, là nỗi buồn giúp tôi đối điện và hoàn thiện bản ngã của chính mình. Chuyển ngữ chính xác, đủ đầy và trung thực là những gì tôi theo đuổi. Cảm ơn bạn vì đã ghé thăm bản dịch của tôi trên Tạp chí điện tử Người Nổi Tiếng.

Bức tranh khảm Mosaic lớn nhất thế giới được phát hiện ở Thổ Nhĩ Kỳ

Nơi đào tạo MC chuyên nghiệp với mức giá 0 đồng